Kiềm chế nóng giận bằng nguyên lý “tảng băng trôi”

Bất cứ thầy cô nào trong đời cũng gặp không ít trường hợp học trò không thuộc bài, không viết bài, không làm bài tập, có lời nói, cử chỉ xấc láo...

Kiềm chế nóng giận bằng nguyên lý “tảng băng trôi”

Đa số thầy cô đều nóng giận, nhưng với tư cách thầy cô giáo thì phải xử lý tình huống đó ra sao mới là vấn đề quan trọng.

Tôi xin mạo muội góp một vài ý kiến coi như là kinh nghiệm cá nhân trong việc “người thầy kiềm chế cơn nóng giận” để giúp “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Nguyên lý “tảng băng trôi” của Hemingway: 1/8 phần nổi, 7/8 phần chìm dưới nước.

"Đâu đâu ta cũng thấy được sự hiện hữu và tác động vô hình của nguyên lý “tảng băng trôi”. Phần nổi là phần ta nhìn thấy được, còn phần chìm lớn hơn rất nhiều ta lại không nhìn thấy được, nhưng chính những phần chìm như thế mới thật sự đáng quan tâm"

Cũng như vậy, trong mọi sự vật, sự việc trên đời này đều có hai mặt: một mặt nổi và một mặt chìm. 

Nhưng thường con người chỉ chú tâm đến cái mặt nổi, chăm chú vào đó để rồi bỏ quên cái mặt chìm kia.

Con tàu Titanic bị đắm không phải vì phần nổi của tảng băng mà vì phần chìm của tảng băng. Thường chính những phần chìm đó, những cái mà mọi người ít ai để ý, quan tâm sẽ gây ra nhiều vấn đề nhất.

Nguyên lý này đã được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực đời sống: giáo dục, chính trị, kinh tế, văn hóa... và đều cho ta những lý giải, những đáp án rất hợp tình hợp lý. Áp dụng vào sư phạm cũng như vậy. Lấy ví dụ học trò “không thuộc bài”:

Phần nổi: Không thuộc bài. Nếu xét việc “học sinh không thuộc bài” theo tư duy thông thường: Không thuộc bài --> lười biếng --> tính xấu --> hình phạt (và khi nóng giận quá thầy sẽ có những hành động không kiềm chế, phản giáo dục...).

Phần chìm: Nếu xét việc “học sinh không thuộc bài” theo nguyên lý “tảng băng trôi”, sau khi tìm hiểu “mạch ngầm”, ta sẽ có thể đưa ra cách giải quyết hợp lý nhất. 

Vì nếu chịu khó nghĩ tới phần chìm, ta sẽ có thể hết nóng giận, thậm chí hiểu và thương yêu học sinh nhiều hơn.

1. WHAT (Học sinh học những bài gì?): Học sinh về nhà không chỉ học một bài của thầy mà còn phải học nhiều bài của những thầy cô khác. 

Có một lần (khi đó tôi làm hiệu trưởng), một cô giáo đưa đến cho tôi một em học sinh để hiệu trưởng xử lý vì cô “bó tay” trước tính “lì lợm, lười biếng không chịu học bài” của em này. 

Tôi hỏi cô giáo là bài nào thì cô đưa ra 7 bài văn mẫu (mỗi bài khoảng 3 trang). Tôi trả lời cô giáo: “Đến tôi cũng không học thuộc nổi những bài này, huống chi em học sinh nhỏ bé kia”.

2. WHO (Ai ra bài học?): Bài học do tác giả trong sách giáo khoa hay do chính thầy cô soạn ra (vì có những bài rất khó hiểu, “khó nuốt” đối với lứa tuổi học trò).

3. WHEN (Học bài vào lúc nào?): Có những em về nhà phải tất bật giúp cha mẹ mưu sinh, cũng có trường hợp buổi tối ở những xóm trọ, xóm lao động mở karaoke ầm ĩ... học sinh không thể học bài được.

4. WHERE (Học ở đâu?): Có những em nhà nghèo thì làm sao có góc học tập, thậm chí đèn đóm cũng bị hạn chế...

5. WHY (Tại sao không thuộc bài?): Có một lần dạy buổi trưa, trời nóng lại gặp trường hợp học sinh không thuộc bài, tôi bắt đầu nóng giận nhưng còn kịp hỏi: “Vì sao em không thuộc bài?”. Em trả lời: “Vì ba em vừa mới mất do tai nạn”. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì kịp kiềm chế cơn giận.

6. HOW (Giải quyết như thế nào?): Nếu trả lời xong năm câu hỏi trên thì chắc chắn thầy cô sẽ có cách giải quyết hợp lý nhất.

Theo Tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hồ Natron là nơi sinh sản thường xuyên duy nhất ở Đông Phi của loài hồng hạc nhỏ đang trong tình trạng bị đe dọa. Ảnh: Patrika.com - Southerntanzaniasafari.com

'Hồ Medusa' biến xác thịt thành đá

GD&TĐ - Từ lâu, các nhà khoa học đã bị thu hút bởi hiện tượng ly kỳ mà rùng rợn này nhưng đến nay, họ vẫn chưa thật sự giải mã hết nó.