Cuồng chân rồi cuồng cả tính
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thay vì vui chơi, tham gia học các bộ môn yêu thích thì trẻ chỉ có thể quẩn quanh trong nhà với những hoạt động, trò chơi lặp đi lặp lại, gây nhàm chán.
Nhà văn – nhà báo Lữ Mai (Báo Nhân dân) chia sẻ: Từ quan sát cô con gái học lớp 4 và con cái của vài người bạn thân, tôi nhận thấy khi lịch sinh hoạt hè của trẻ bị thay đổi, không thể vui chơi ngoài trời, không được cùng gia đình đi dã ngoại, đi du lịch, không được tự do khám phá cuộc sống... khiến ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, tâm lý.
Trẻ có thể chán ăn, chán chơi, tính cách trở nên thất thường bởi nhu cầu giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa và cảm nhận cuộc sống xung quanh rất quan trọng. Từ thực tế này, nếu bố mẹ không đồng hành cùng con, trẻ sẽ có nguy cơ rối loạn cảm xúc, khủng hoảng tâm lý, trầm cảm...
Trẻ em, đặc biệt lứa tuổi trước THPT - độ tuổi thích khám phá nên giới hạn cho hành động của trẻ phụ thuộc vào lượng kiến thức được người lớn truyền đạt. Nếu các em không được trang bị kịp thời, đầy đủ, phù hợp về phương pháp thì việc nguy hiểm gì cũng có thể làm.
Chẳng hạn, trẻ em có thể đụng vào các vật dụng gây sát thương, leo trèo ra ban công... hoặc trẻ em lớn chút, đã biết sử dụng máy tính, điện thoại có thể tự do xem các nội dung được khuyến cáo không phù hợp lứa tuổi, mang tính chất bạo lực, kích động...
Rõ ràng, đối với trẻ không được vận động, vui chơi hợp lứa tuổi là nguy cơ cao dẫn tới dư thừa năng lượng và sinh tâm lý buồn chán. Trẻ sẽ “nướng thời gian” vào những hoạt động tiêu cực nếu không có sự can thiệp, định hướng nghiêm túc của người lớn.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai; Trưởng Bộ môn Tâm thần - Trường Đại học Y Hà Nội: Khi trẻ phải nghỉ học kéo dài, hạn chế vui chơi bên ngoài, nhiều gia đình dường như chỉ biết cho con làm bạn với iPad, điện thoại. Điều này ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của trẻ. Nếu những hoạt động nhàm chán kéo dài dễ dẫn đến tình trạng trẻ bị “cuồng chân”, dẫn đến thiếu kiểm soát hành vi như dễ nổi nóng, tăng động, cũng có thể trở nên lầm lì, chìm vào suy tư.
“Phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ, tranh thủ thời gian giúp trẻ tích lũy kiến thức, kỹ năng để phát triển toàn diện… Khi trẻ tập trung vào những vấn đề không sinh công (chơi game, tham gia mạng xã hội, nghiền phim…) sẽ làm đảo lộn nền nếp sinh hoạt. Đồng thời, cũng có thể gây ra vấn đề nghiện hành vi (nghiện game, Internet) rất khó “cai”, gây hệ lụy xấu đến thể chất và tinh thần của trẻ” - PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn khuyến cáo.
Giúp con hiểu và thích nghi hoàn cảnh
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Trung tâm GD Diệp Quang (An Giang), trẻ dù nhỏ cũng có ý thức về những nguy hiểm và hoàn cảnh xung quanh mình. Với trẻ 3 tuổi, bố mẹ đã có thể bắt đầu cung cấp cho con một số kiến thức cơ bản về tình hình dịch bệnh, giải thích cho trẻ vì sao chúng không được đến trường và cần làm những điều cơ bản nào để ngăn ngừa dịch bệnh. Với trẻ nhỏ, khi cha mẹ sắp xếp thời gian biểu nên đảm bảo tất cả bài tập của trẻ phải được hoàn thành trước rồi mới đến các hoạt động khác.
Đối với trẻ lứa tuổi tiểu học, cha mẹ nên giúp trẻ tạo lịch trình trong ngày gồm thời gian học tập, làm việc và vui chơi. Việc sắp xếp thời gian biểu phải đảm bảo những việc quan trọng như học tập thực hiện trước, sau đó mới đến các hoạt động khác.
Cũng có thể để trẻ sử dụng điện thoại để vui chơi và kết nối với bạn bè, nhưng chỉ trong thời gian nhất định. Nhất thiết phải dành thời gian cho việc đọc sách, thể thao, giúp đỡ cha mẹ các công việc gia đình. Đối với trẻ bậc THCS, cha mẹ nên để trẻ tự thiết kế lịch trình của mình. Cha mẹ nên lưu ý, để trẻ tự xây dựng kế hoạch, bố mẹ góp ý trên cơ sở tôn trong ý kiến của trẻ, tránh áp đặt để tăng tính khả thi và hiệu quả các hoạt động.
Theo nhà văn, nhà báo Lữ Mai: Một trong những phương pháp giúp trẻ giải tỏa căng thẳng là cha mẹ cần làm bạn với con mình, cùng ăn, cùng chơi, cùng trò chuyện và thảo luận mỗi ngày. Con chơi gì, đang băn khoăn thắc mắc điều gì, hãy tạo điều kiện gần gũi và thoải mái nhất để trẻ chia sẻ một cách tự nhiên. Những điều tưởng chừng đơn giản đó không được nhiều gia đình thực hiện.
Cha mẹ và con cái mỗi người một góc riêng, một điện thoại, thậm chí nhiều bậc phụ huynh có thể giám sát camera ghi lại hình ảnh con mình 24/24, nhưng một câu chuyện cởi mở với con lại không hề có.
“Dịch bệnh mang đến nhiều khó khăn, nhất là đối với việc nuôi dạy trẻ, nhưng không phải là không có cách. Chúng ta có thể hướng dẫn và cùng con dọn dẹp, trang trí nhà cửa, làm vườn, trồng cây, cho trẻ học một môn nghệ thuật nào đó như: Vẽ, hát, đàn, thủ công... qua kênh online” – nhà văn Lữ Mai gợi ý.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng: Điểm mấu chốt dẫn tới tình trạng căng thẳng tâm lý, trầm cảm ở trẻ em là thiếu sự giao tiếp và thấu hiểu nên dù ở hoàn cảnh nào, khó khăn ra sao, thì người lớn cần thiết phải có sự chia sẻ với trẻ em. Các bậc cha mẹ cũng có thể chia sẻ với con về khó khăn mà gia đình, xã hội đang phải đối diện với những thông tin chọn lọc để kích thích trẻ có những suy nghĩ, hành động tích cực, chia sẻ được với gia đình và cộng đồng.
Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua, đã có nhiều bạn nhỏ ở độ tuổi nhi đồng, thiếu niên biết chia sẻ với xã hội bằng nhiều việc làm hữu ích, phù hợp với năng khiếu của mình. Ví dụ họa sĩ nhí Xèo Chu (14 tuổi) đã vẽ và tham gia đấu giá tranh được gần 3 tỷ đồng để ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Các bạn nhỏ ở nhiều vùng sâu, vùng xa đã cùng ông bà, bố mẹ gieo trồng và thu hoạch nông sản để gửi tặng vùng dịch bệnh.
Các bạn ở thành phố đã dành tiền tiết kiệm tặng các bạn vùng dịch đồ ăn, sách bút... Những câu chuyện ấy cần được cha mẹ làm cầu nối lan truyền mạnh mẽ hơn tới trẻ em để thêm nhiều niềm tin, cảm hứng rằng tuổi nhỏ cũng có thể làm được nhiều việc có ích, góp phần đẩy lùi đại dịch.