Khóa học bổ ích
Trong xu thế hiện nay, để hội nhập giáo dục quốc tế thì giáo viên tự phải nâng cao năng lực, trình độ về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Nhằm xây dựng sân chơi tri thức cho giáo viên và học sinh thành phố đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016” do Bộ GD&ĐT tổ chức, Sở GD&ĐT TP HCM đã triển khai chương trình khóa học “Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ CNTT và truyền thông trong dạy học” và dạy học theo dự án để bổ trợ cho cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm 2016” cấp thành phố
Điều thú vị là khi tham gia những khóa học, nhiều giáo viên tỏ ra thích thú. Không chỉ được “mở tầm mắt” sáng tạo khi làm quen với những công cụ, kỹ thuật dạy học hiện đại, mà giáo viên còn được khuyến khích những ý tưởng sáng tạo, tổ chức những tiết dạy hấp dẫn, thu hút học sinh các cấp. Đến với khóa học, ngoài việc làm quen với các công cụ như facebook, skype, onedrive… để mở rộng sự kết nối, sẻ chia giữa giáo viên và học sinh, các giáo viên còn được giới thiệu về công nghệ giáo dục hiện đại đang áp dụng rộng rãi trên thế giới. Đó là những tiện ích phục vụ soạn bài giảng, dạy tích hợp như onenote, sway, top 100 công cụ…
Nét mới với những khóa tập huấn khác trước đây, tại khóa học này giáo viên được thực hành ngay tại chỗ, được tự do thể hiện ý tưởng lẫn sản phẩm sáng tạo trong dạy học của mình. Nhiều giáo viên cho biết: Khi được các chuyên gia giáo dục toàn cầu kích hoạt sự sáng tạo, mở mang tư duy, họ không chỉ năng động hơn mà còn phát huy cao nhất khả năng chuyên môn của mình. Theo thầy giáo trẻ Hoàng Viết Thắng (Trường TH Lạc Long Quân), khóa học về ứng dụng CNTT vào giảng dạy thú vị, bổ ích vì giúp giáo viên hiểu rõ hơn sự kết nối, tương tác giữa giáo viên và học sinh.
Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng. Tương tự, nhiều giáo viên khi tham gia các dự án dạy học tích hợp cũng cho rằng khóa học mang lại nhiều kiến thức mới, tăng thêm nguồn cảm hứng dạy học bằng tâm huyết, đam mê. Một nữ giáo viên cho biết: “Từ những công cụ, kỹ thuật, kỹ năng hiện đại được trang bị ở khóa học này, chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào việc tổ chức dạy học theo dự án”.
Từ sự kích hoạt dạy học sáng tạo trên nền tảng CNTT năm 2016, ngay sau khóa tập huấn trở về, hàng trăm giáo viên đã hào hứng ứng dụng ngay vào từng tiết dạy của mình. Tham gia chương trình “dạy học theo dự án”, được tiếp cận với các kỹ năng hiện đại, phù hợp cho việc tổ chức các dự án dạy học như 5W1H, 7 chiếc mũ tư duy…, nhiều giáo viên đã hiểu rõ hơn yêu cầu, có thể làm ra sản phẩm dạy học độc đáo.
Và kích thích sự sáng tạo trong giảng dạy
Với giáo viên Trần Ánh Hồng (THCS Võ Trường Toản) thì khóa học đã “thổi” được niềm cảm hứng sáng tạo vào trong bản thân chính mỗi giáo viên, để họ so thể nâng cao hiểu biết và bắt tay vào việc tổ chức dạy học theo dự án. Từ đó mang đến cho học trò sản phẩm dạy học tốt nhất, hiệu quả nhất. Có lẽ vì thấy rõ hiệu ứng dạy học sáng tạo trên nền tảng CNTT, ngay sau khóa tập huấn, nhiều giáo viên đã tự làm mới cách dạy, thổi hồn vào từng bài giảng để nó lung linh hơn, tạo sự hứng thú cho học trò.
Chia sẻ về điều này, cô Tô Thụy Diễm Quyên, phụ trách chương trình phát triển giáo dục (Sở GD&ĐT TPHCM), chuyên gia giáo dục toàn cầu Microsoft cho biết: Trong xu thế hiện nay, nếu giáo viên không tự làm chủ được công nghệ, không tự học hỏi thì khó có thể bắt kịp tư duy, sự phát triển như vũ bão của thế giới trong thời đại công nghệ số. Và việc chậm ứng dụng những công cụ giảng dạy hiện đại vào lớp học sẽ khiến chất lượng giảng dạy không theo kịp xu hướng đổi mới giáo dục...
Cũng theo cô Diễm Quyên, khi tham gia lớp tập huấn về nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong dạy học, được tiếp cận với các công cụ, phương pháp dạy học tiên tiến, nhiều giáo viên đã nhận thấy mình “tụt hậu” so với sự phát triển vượt bậc của công nghệ dạy học hiện đại trên thế giới. Không chỉ nhận ra sự hạn chế, thiếu sự chia sẻ, kết nối với học sinh, nhiều giáo viên cũng chưa xem học sinh là trung tâm và nhà trường chưa có phương pháp giáo dục phù hợp để phát triển toàn diện người học.
Thực tế đã chứng minh, để làm mới những tiết dạy học, tổ chức dạy học thì giáo viên phải chủ động làm mới bản thân mình, tự cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng theo công nghệ giáo dục hiện đại. Có như thế, họ mới có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, xem học sinh là trung tâm, phát triển các em theo năng lực cá thể.
Được biết, theo kế hoạch và chuẩn bị cho mục tiêu đổi mới giáo dục, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ tập huấn trực tiếp phương pháp dạy học hiện đại cho toàn bộ giáo viên phổ thông. Để đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đổi mới giáo dục, Sở GD&ĐT thành phố cũng sẽ xây dựng đội ngũ chuyên gia, giảng viên đặc biệt để mở rộng chương trình tập huấn.