Tiêu dùng nội địa bật tăng, cơ hội giúp doanh nghiệp phục hồi
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với tháng trước và giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 311,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% và tăng 1,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 32,5 nghìn tỷ đồng, tăng 95,8% và giảm 33,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 0,4 nghìn tỷ đồng, tăng 780,1% và giảm 87,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 40,8 nghìn tỷ đồng, tăng 91,3% và giảm 9,8%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%). Nếu xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước tính đạt 1.543,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 6,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1,7%; may mặc giảm 2,7%; phương tiện đi lại giảm 7,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 8,2%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm tăng nhẹ do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm ước tính đạt 175,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng mức và giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,9%).
Theo Tổng cục Thống kê, đây là tháng đầu tiên cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống đã mở cửa trở lại sau giãn cách xã hội, tâm lý người dân đã bớt lo ngại. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm mạnh do học sinh bắt đầu quay trở lại trường học, nhu cầu du lịch hè của các gia đình vào thời điểm này chưa cao.
Các doanh nghiệp kích cầu hướng về thị trường nội địa
Trong bối cảnh nhiều thị trường nước ngoài vẫn đang áp dụng các biện pháp phong tỏa vì đại dịch Covid-19 và nhiều khả năng phải tới cuối quý 3 mới có thể tạm vận hành trở lại, thì thị trường nội địa chính là “trụ đỡ” quan trọng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường nội địa được xem là “cứu tinh” cho nhiều doanh nghiệp, cho nền kinh tế, nên rất cần các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bán lẻ. Thủ tướng Chính phủ cũng đang nhắc tới thị trường nội địa như một mũi giáp công quan trọng để giúp nền kinh tế nhanh chóng hồi phục sau đại dịch.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ, doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến cá tra, doanh nghiệp dệt may, du lịch đều đã lần lượt tìm cách đưa sản phẩm của mình về thị trường nội địa. Chẳng hạn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cùng với việc chuyển hướng sản xuất các mặt hàng khẩu trang, đã bắt đầu tìm kiếm các đơn hàng phục vụ thị trường nội địa. Tập đoàn Hồ Gươm, Công ty cổ phần Gò Đàng (Bến Tre)… đều lần lượt nằm trong danh sách này. Đặc biệt, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch Việt Nam đang đua nhau tung ra các gói kích cầu du lịch giá rẻ.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, việc mở cửa sớm thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp vào cuộc tái khởi động. Muốn vươn ra thị trường thế giới thì phải đặt thị trường trong nước lên hàng đầu. Bởi quy mô của một thị trường gần 100 triệu dân với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tiến trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh, chính là nguồn tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.