Trong hành trình tìm đến “miền đất hứa”, cả 5 mẹ con người phụ nữ xấu số đã bị giết chết một cách dã man dưới bàn tay của những kẻ sát nhân máu lạnh.
3 xác chết trên sông Trà Bồng
Sáng 17-5-1985, khi mặt trời vừa ló rạng ở phía hừng đông thôn Phú Long, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Quảng Ngãi) thì cả thôn bỗng trở lên náo loạn bởi thông tin có 3 xác chết nổi trên sông Trà Bồng. Hung tin trên đã lập tức thu hút hàng ngàn người ở các địa phương lân cận kéo về. Một tổ công tác gồm lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra, Kỹ thuật hình sự và Công an huyện Bình Sơn đã nhanh chóng có mặt tại xã Bình Phước. Khi xác các nạn nhân được cơ quan chức năng đưa lên bờ để tiến hành khám nghiệm thì ai cũng phải xót xa.
Các bị cáo Tu Hồng Sơn, Nguyễn Ngọc Phương, Phạm Danh, Đào Thị Tuyền tại phiên tòa xét xử sơ thẩm |
Ngoài nạn nhân là một phụ nữ khoảng trên 30 tuổi còn có hai bé gái, trong đó một bé gần 10 tuổi trên người không còn quần áo, một bé khoảng 4 tuổi. Nguyên nhân cái chết của 3 nạn nhân được các cán bộ kỹ thuật hình sự và bác sĩ pháp y nhanh chóng làm rõ: cả 3 nạn nhân đã chết trước khi bị đưa xuống nước và nguyên nhân là do bị bóp cổ dẫn đến ngạt thở. Mở rộng hiện trường, cơ quan công an tìm thấy một túi xách trên đám ruộng cách nơi phát hiện xác của các nạn nhân khoảng 100m. Bên trong túi có một thẻ căn cước của chế độ cũ; tuy bị nhòe nước nhưng các trinh sát, điều tra viên vẫn dịch được hàng chữ mang tên Võ Thị T., trú tại đường Thống Nhất, TP. Nha Trang.
Một tổ công tác đã được lệnh lên đường đi Nha Trang. Tại đây, Giám đốc Công an tỉnh Phú Khánh đã chỉ đạo cho Phòng Cảnh sát hình sự khẩn trương phối hợp tổ công tác làm rõ danh tính nạn nhân. Qua xác minh, tại số 266/51 đường Thống Nhất, phường Phương Sơn có bà Võ Thị T., sinh năm 1953 đã có chồng và 4 người con, gồm: Đào Duy N. (11 tuổi), Đào Đức Vinh S. (10 tuổi), Đào Hoa Chi L. (7 tuổi) và Đào Thị Hồng T. (4 tuổi). Tuy nhiên, gia đình bà T. đã vắng mặt cả tháng mà không khai báo chính quyền địa phương.
Tìm hiểu một số người thân trong gia đình thì chồng bà T. là sĩ quan trong chế độ cũ, đã vượt biên trái phép sang nước ngoài sinh sống và đang mong chờ vợ con sang. Về phần bà T., sau khi chồng đi, cũng đã gom góp một số vốn kha khá làm lộ phí cho chuyến “xuất ngoại” của mấy mẹ con. Tháng 9-1984, bà T. đã từng bị chính quyền phường Phương Sơn kiểm điểm về hành vi vượt biên trái phép. Thời điểm đó, có mấy người đàn ông lạ mặt thường xuyên đến nhà bà T. mà theo người nhà thì bà T. đã thuê những người này tổ chức cho gia đình mình đi vượt biên trái phép. Trước đó ít ngày, họ cũng đã nghe bà T. vui mừng cho biết hai cậu con trai lớn của bà đã được đưa ra “thuyền lớn” để sang với cha của chúng. Trong thời gian chờ đợi “xuất ngoại”, bà T. và 2 đứa con gái chuyển lên ở nhà bà Đào Thị H. là chị chồng bà T. ở xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang. Ngày 15-5-1985, những người đàn ông trở lại và đưa mẹ con bà T. đi, còn địa điểm ở chỗ nào thì không ai biết.
Như vậy, có thể khẳng định 3 nạn nhân bị giết tại sông Trà Bồng là bà T. và 2 đứa con ruột là Đào Hoa Chi L. và Đào Thị Hồng T. Bước đầu, cơ quan công an nhận định, đây rất có thể là một vụ giết người, cướp của và nghi can số 1 chính là những người đàn ông đã được bà T. thuê để giúp mẹ con bà vượt biên.
Lộ diện hung thủ
Thời điểm ấy, số vụ vượt biên trái phép trên địa bàn các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ diễn ra rất phức tạp. Nắm được tâm lý muốn đến những “miền đất hứa” bằng mọi giá của một bộ phận người dân, những nhóm tội phạm chuyên tổ chức câu móc đưa người đi vượt biên trái phép đã hình thành. Do đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Phú Khánh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự lập kế hoạch, tập trung điều tra vào các đối tượng có tiền án, tiền sự, chuyên câu móc, tổ chức vượt biên trái phép trên địa bàn Nha Trang và một số huyện lân cận.
Từ thông tin của một số người thân trong gia đình nạn nhân, cơ quan Công an có những dữ liệu hết sức quý giá. Đó là bà Đào Thị H. và bà T. có quen một thanh niên tên Danh ở khu vực cầu Hà Ra (Nha Trang); chính Danh là người đã móc nối thuê hai thanh niên, một người tên Phương, một người tên Tu Một trú ở khu vực xóm Cồn thuộc phường Xương Huân. Cách đây ít ngày, Phương và Tu Một đến, đưa cho bà H. tấm chứng minh nhân dân (CMND) của bà T. để nhận tiền công. Bởi trước khi đi, bà T. có đưa cho bà H. một lá thư dặn rằng khi nào có người mang CMND của mình đến thì đưa 2 cây vàng là tiền bà T. trả công cho họ. Xác minh về tên Danh, đây chính là tội phạm đang bị Công an tỉnh Phú Khánh truy nã về tội trốn cải tạo. Tên đầy đủ của y là Phạm Danh (sinh năm 1963, trú đường Hà Ra, phường Vĩnh Phước). Tháng 2-1984, Danh đã bị Công an huyện Ninh Hòa bắt về tội vượt biên trái phép và bị đưa đi cải tạo tại Trại cải tạo Suối Thơm. Đến tháng 9-1984, lợi dụng sơ hở của bảo vệ trại, Danh đã bỏ trốn.
Ngày 20-5-1985, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Khánh ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Danh về tội tổ chức vượt biên trái phép. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 9-6-1985, các trinh sát hình sự đã tóm được Danh khi y đang lẩn trốn ở một xã ngoại thành Nha Trang. Theo lời khai ban đầu của Danh thì y chỉ là kẻ môi giới giới thiệu bà T. với hai người bạn của mình để tổ chức đưa cả gia đình đi vượt biên. Sau này được biết là cả gia đình bà T. đã vượt biên trót lọt thì Danh được nhận tiền công là 2 chỉ vàng. Cụ thể việc vượt biên được tổ chức như thế nào, gia đình bà T. được đưa đi đâu thì Danh không hề biết. Còn 2 người đàn ông mà Danh giới thiệu cho bà T. thì một người tên Nguyễn Ngọc Phương (sinh năm 1953, trú đường Hà Ra, phường Vĩnh Phước), một người tên là Tu Hồng Sơn, thường gọi là Tu Một (sinh năm 1958, trú đường Cồn Giữa, phường Xương Huân). Cũng theo lời khai của Danh thì nghe Phương giới thiệu Tu Một là chủ của một ghe câu thường xuyên đậu ở Cồn Giữa. Thế nhưng, đi sâu xác minh về Tu Một và Phương thì cả 2 đối tượng này đều không có nghề nghiệp, sống bằng nghề trộm cắp vặt. Phương quê tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Nghĩa Bình, đã từng sinh sống ở khu Lò heo thuộc phường Vạn Thạnh. Còn Tu Một cũng là người ở huyện Bình Sơn, tỉnh Nghĩa Bình, chẳng biết tí gì về nghề đi biển nên không hề có chiếc ghe câu nào. Năm 1975, Tu Một đi nghĩa vụ quân sự được hơn 1 năm thì đào ngũ trốn về nhà người anh ở khu Lò heo sinh sống. Vừa là đồng hương, vừa là những kẻ có cùng “chí hướng” giang hồ nên Phương và Tu Một đã nhanh chóng kết thân trở thành một cặp chuyên “nghề” đạo tặc.