Nhưng đây được dự báo vẫn chưa phải đỉnh vì có dấu hiệu cho thấy cú sốc giá dầu có thể lên tới mức chưa từng có trong lịch sử.
Giá dầu có thời điểm đã hạ sâu xuống xung quanh 100 USD/thùng, tuy nhiên ngay khi Liên minh châu Âu (EU) thông qua lệnh cấm vận một phần dầu Nga hồi tháng 5, giá dầu quốc tế lại vọt tăng lên mốc 120 USD. Điều này cho thấy cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn là yếu tố chính làm gia tăng sự biến động của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Trong bối cảnh chiến sự vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại giá dầu thậm chí có thể tăng vọt lên 200 USD/thùng trong những tháng tới.
Một số tổ chức lớn như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều đưa ra dự đoán giá dầu năm 2022 sẽ cao hơn đáng kể so với 2021. Tuy nhiên, các nhận định này không đưa ra dự đoán giá dầu 200 USD/thùng, do xác suất của việc một cú sốc đột ngột đối với nguồn cung dầu toàn cầu là không cao.
Nguyên nhân cho nhận định này tới từ quyết định loại bỏ dần từng bước việc nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm 2022 của EU. Điều này dẫn tới sự chuyển đổi có kiểm soát sang các nguồn cung thay thế mà vẫn giữ được giá xăng dầu ổn định. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng xảy ra cú sốc nguồn cung dẫn đến giá dầu tăng vọt lên tới 200 USD/thùng như nhiều người lo ngại.
Một trong những động lực cho kịch bản trên là sự leo thang của cuộc chiến ở Ukraine dẫn tới lệnh cấm dầu Nga ngay lập tức của EU. Trong khi đó, các quốc gia xuất khẩu dầu lớn khác trên thế giới hiện không có khả năng có thể lấp đầy khoảng trống 3,5 triệu tới 7 triệu thùng dầu mỗi ngày mà Nga để lại trong ngắn hạn.
Ví dụ như Arab Saudi – một trong các nước xuất khẩu dầu hàng đầu trên thế giới – cũng chỉ đồng ý tăng nguồn cung thêm 200.000 thùng/ngày. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ lại thể hiện thái độ miễn cưỡng tăng nguồn cung do gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí tăng. Về phía Nga, việc chuyển hướng dầu từ châu Âu sang các nước khác thay thế cũng đang gặp nhiều thách thức về hậu cần.
Nếu kịch bản này thực sự xảy ra, mức giá 200 USD/thùng hoàn toàn có thể trở thành sự thực. Mức đỉnh trước đó thiết lập vào tháng 6/2008 là 140 USD, tương đương với hơn 180 USD nếu quy đổi theo tỷ giá hiện tại. Thời điểm đó mức đỉnh 140 USD này hoàn toàn chỉ do sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng gây ra, chứ chưa bao gồm các rắc rối địa chính trị như bối cảnh hiện tại.
Nếu kịch bản giá dầu 200 USD xuất hiện, khả năng thế giới sẽ chứng kiến một thời kỳ lạm phát tăng phi mã và các nước đồng loạt phải thắt chặt chính sách tiền tệ bổ sung. Từ đó gây ra sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và tâm lý kinh doanh, dẫn tới tốc độ tăng trưởng của các nước cũng sẽ chậm lại rõ rệt.
Những thách thức trên buộc các chính phủ phải tính đến các giải pháp để đối phó với kịch bản giá dầu tăng cao lịch sử. Trong đó có việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tìm cách giảm nhập khẩu xăng dầu, cải cách về giá và trợ cấp trong lĩnh vực năng lượng và cuối cùng là tăng cường an ninh năng lượng bằng cách đa dạng hóa nguồn cung khỏi nhiên liệu hóa thạch và hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo.