Kỉ niệm 45 năm thành lập Học viện Quản lý giáo dục (1/10/1976- 1/10/2021): Học viên quản lý giáo dục trên đường khẳng định vị thế

GD&TĐ - Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển giáo dục quốc gia.

Lễ Công bố Quyết định thành lập Học viện Quản lý giáo dục
Lễ Công bố Quyết định thành lập Học viện Quản lý giáo dục

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được đánh giá là vai trò trung tâm, quyết định đến chất lượng của nền giáo dục và đào tạo nước nhà, trong đó, cán bộ quản lý là nòng cốt, đi đầu trong định hướng, chỉ đạo, thực hiện thắng lợi chiến lược giáo dục và đào tạo.

Học viện Quản lý giáo dục là một trong cái nôi đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý cho toàn ngành giáo dục nước nhà. Để có được vị thế đó, Học viện đã trải qua những khó khăn, thăng trầm những vô cùng vẻ vang, kiên trì thực hiện tốt nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao phó. Ngược dòng lịch sử, về với những năm tháng “30 năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông”:

Vào tháng 6/1964, Bộ Giáo dục đã thành lập tại các tỉnh, thành phố hệ thống các trường bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Hệ thống trường bồi dưỡng đã phát huy tác dụng trong công tác bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý nhà trường cho các giáo viên cốt cán trước và sau khi được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý. Năm 1966, để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục cho phòng giáo dục huyện, trường phổ thông trung học và tổ chức một số lớp bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý của ngành về một số vấn đề cấp bách trong quản lý giáo dục, Trường Lý luận nghiệp vụ giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục được thành lập.

Đến năm 1976, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thành lập Trường Cán bộ quản lý giáo dục trên cơ sở trường lý luận nghiệp vụ giáo dục của Bộ Giáo dục theo quyết định số 190/TTg ngày 1/10/1976 của Thủ tướng Chính phủ. Học viện lấy ngày 1/10 là ngày truyền thống Học viện Quản lý giáo dục.

Năm 1990, Bộ Giáo dục đào tạo quyết định sát nhập 3 đơn vị: "Trường Cán bộ quản lý giáo dục","Trường Cán bộ quản lý đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề", "Trung tâm nghiên cứu tổ chức quản lý và kinh tế học giáo dục" thành "Trường Cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo".

Trước yêu cầu phát triển giáo dục, trước vị thế ngày càng được khẳng định của Học viện, theo đề nghị của Bộ GD&ĐT, ngày 3/4/2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 501/ QĐ-TTg thành lập Học viện Quản lý giáo dục.

Trên con trường 45 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện luôn giữ vững vai trò tiên phong đi đầu trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng nhu cầu đổi mới, phát triển nền giáo dục nước nhà. Học viện luôn không ngừng hoàn thiện về cả cơ cấu tổ chức và chất lượng dạy học, phấn đấu không ngừng vì sự nghiệp giáo dục của đất nước. Hiện nay, các hoạt động chuyên môn của Học viện đang được phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu; hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học và công nghệ được phát triển cũng với sự mở rộng các ngành đào tạo, các lĩnh vực nghiên cứu, các chương trình bổi dưỡng, tập huấn, chuyển giao kết quả nghiên cứu…; các hoạt động hợp tác, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước ngày càng được triển khai phong phú, nhiều hội thảo quốc tế về vấn đề quản lý giáo dục, đổi mới giáo dục, chương trình giáo dục mới… đã được Học viện tổ chức thành công.

Học viện đang thực hiện chương trình hợp tác với Đại học Saint John Đài Loan, Trung Quốc,  liên kết với Đại học Tây Nam - Trung Quốc về chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản lý giáo dục, hợp tác với Trường Đại học Queen Belfast (Vương Quốc Anh, Bắc Ai-len) trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác với Nước CHDCNDLào trong đào tạo đại học và sau đại học... Các mối quan hệ với các trường đại học, các tổ chức  quốc tế như:  Đại học Công nghệ Auckland, Đại học Andrews, Bộ Giáo dục và Khoa học Công nghệ Nepal; Đại học Tây Nam; Đại học Pondicherry; Đại học Quốc gia Pusan; Đại học Quốc gia Cheng Chi; Đại học Quốc gia Chung Hsing,... luôn được duy trì hợp tác và phát triển.

Học viện đào tạo hệ đại học, gồm 9 mã ngành: Quản lý giáo dục, Tâm lý học giáo dục, Công nghệ thông tin, Kinh tế, Kinh tế giáo dục, Giáo dục học; Quản trị văn phòng, Luật, Ngôn ngữ Anh; đào tạo sau đại học với 3 mã ngành: Quản lý giáo dục, Tâm lý học lâm sàng, Công nghệ thông tin. Đào tạo tiến sĩ ngành quản lý giáo dục.

Các giảng viên nữ của Học viện Quản lý giáo dục
Các giảng viên nữ của Học viện Quản lý giáo dục

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, hàng năm Học viện thực hiện bồi dưỡng cho hàng nghìn nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, với nhiều hoạt động bồi dưỡng, tập trung vào đối tượng cán bộ quản lý giáo dục các cấp, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán/ và đại trà; bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, nghiệp vụ tư vấn du học, nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục, bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng I, II, III, bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm nhiệm vụ tư vấn học sinh… Chương trình ETEP của Học viện được triển khai một cách tích cực, chất lượng và hiệu quả. Hàng năm, Học viện triển khai bồi dưỡng trực tiếp cho hơn 4000 hiệu trưởng, hiệu phó cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán thuộc 63 tình thành trên toàn quốc bằng hình thức kết hợp học tập trực tiếp và trực tuyến.

Học viện đang từng bước khẳng định vị thế thương hiệu về nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, hợp tác quốc tế về khoa học giáo dục, khoa học quản lý giáo dục, quản trị nhà trường. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn 2022- 2025, Học viện sẽ thành lập phân hiệu Học viện Quản lý giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. Với việc xác định giá trị cốt lõi: Trách nhiệm - Chuyên nghiệp – Hợp tác, Học viện cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội trong tất cả các lĩnh vực hoạt động bao gồm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng; Học viện xây dựng các quy trình quản lý và thực hiện các hoạt động, từng thành viên thể hiện tính chuyên nghiệp trong việc thực hiện quy trình thực hiện nhiệm vụ, hướng trọng tâm: tất cả vì người học, vì sự phát triển của Học viện.

Trên đường phát triển- thành công, Học viện Quản lý giáo dục sẽ tiếp tục quá trình đổi mới các hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học; tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế, tiếp tục phát huy vai trò vị thế của Học viện Quản lý giáo dục, tiên phong trong công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo của nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ