Cùng dự có ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Ban chỉ đạo; ông Trần Quang Nam - Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, Ủy viên ban chỉ đạo; ông Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại - Trưởng ban tổ chức; ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam; ông Raymond Gordon, Hiệu trưởng Trường ĐH Anh Quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành trung ương; các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện sở, ngành các địa phương; đặc biệt là các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên đến từ cơ quan thông tin báo chí trên cả nước.
Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.
Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm viết về những vấn đề nóng, thành tựu trong thực hiện đổi mới sáng tạo dạy và học của ngành Giáo dục trên phạm vi cả nước. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Sự đồng hành của báo chí thời gian qua đã giúp chủ trương, chính sách, những thay đổi lớn về giáo dục và đào tạo đến được với dư luận xã hội; trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể nhân dân được đóng góp ý kiến và cùng tham gia vào quá trình đổi mới.
Bên cạnh sự đồng thuận, ý kiến phản biện tâm huyết của toàn xã hội thông qua phản ánh của báo chí đã giúp ngành Giáo dục kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách, quyết sách cho phù hợp với tình hình thực tế.
Để ghi nhận và tri ân những đóng góp to lớn ấy, Bộ GD&ĐT tổ chức Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" để tôn vinh những nhà báo, phóng viên, những tập thể, cá nhân có tác phẩm báo chí hay viết về đề tài Giáo dục, tạo nên bức tranh toàn diện, đa màu sắc của ngành Giáo dục Việt Nam.
Nhận định của Thứ trưởng, qua hai năm tổ chức, Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" được đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương và địa phương, tác giả là những cây bút chuyên và không chuyên nhiệt tình hưởng ứng, gửi tác phẩm tham gia. Các tác phẩm dự giải có chất lượng năm sau tăng so với năm trước; đề tài của các tác phẩm khá toàn diện, có sự đầu tư công phu về cách thức thể hiện, văn phong bút pháp.
"Mong rằng Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" sẽ nhận được sự tham gia, hưởng ứng của các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước, để lan tỏa hơn nữa những tấm gương, điển hình tiên tiến của ngành Giáo dục; nhận được sự đồng thuận của nhân dân và toàn xã hội với công cuộc đổi mới giáo dục.
Với bề dày kinh nghiệm của báo chí cách mạng nước nhà, với sự ủng hộ và giúp đỡ của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân, tôi tin tưởng, kỳ vọng Giải báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2020 thành công tốt đẹp" – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ.
Đại diện Ban tổ chức giới thiệu thể lệ Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2020, Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng ban tổ chức Giải thông tin:
Ngày 20/3/2019, Bộ GD&ĐT đã bàn hành Quyết định số 663/QĐ-BGDĐT, ban hành thể lệ Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam".
Theo thể lệ, tác giả tham gia Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" là công dân Việt Nam, bao gồm những nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên có tác phẩm báo chí xuất sắc, được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép phù hợp với tiêu chí của Giải; không vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và các luật khác. Mỗi tác giả, nhóm tác giả gửi tối đa 5 tác phẩm tham dự Giải. Thành viên Hội đồng chấm Giải, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức không được gửi tác phẩm tham dự Giải.
Tham dự Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" là những tác phẩm bằng tiếng Việt, được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ ngày 5/9 của năm trước, đến ngày 5/9 của năm tổ chức tổng kết, trao giải. Nếu tác phẩm đăng, phát nhiều kỳ thì ít nhất phải có 2/3 số tác phẩm trong thời gian trên.
Những tác phẩm đã được trao thưởng ở các cuộc thi ở địa phương vẫn được quyền dự Giải, nhưng phải ghi rõ mức giải và thông tin về cơ quan/đơn vị, thời gian tổ chức giải thưởng. Các tác phẩm dự thi phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm tác phẩm được công bố.
Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" nhận các tác phẩm dự thi thuộc loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình; thể loại gồm: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, các chương trình phát thanh, truyền hình. Thời gian nhận tác phẩm từ ngày phát động đến ngày 30/9/2020.
Cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích. 2 nhân vật sẽ được lựa chọn để trao giải nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải.
Lễ tổng kết và trao giải dự kiến được tổ chức và truyền hình trực tiếp trên VTV vào ngày 14/11/2020.
"Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" là giải thưởng có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc nên đã nhận được sự quan tâm và tham gia rất tích cực của các cơ quan báo chí, báo giới trong cả nước.
Thành công của Giải qua hai năm tổ chức cho thấy vai trò của báo chí đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục và đào tạo với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các đồng nghiệp cho thấy sự quan tâm của báo chí đối với Giải thưởng "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" nói riêng và giáo dục đào tạo nói chung" – Nhà báo Triệu Ngọc Lâm chia sẻ.
Tại họp báo, một số nhà báo quan tâm việc đánh giá các tác phẩm tham dự Giải phản ánh các tồn tại, hạn chế của ngành Giáo dục.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, mọi tác phẩm báo chí phản ánh khách quan, trung thực các mặt của đời sống xã hội đều được trân trọng.
Đồng tình quan điểm này, ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh thêm đến thái độ của người viết và cho rằng, đấu tranh, phê bình cũng phải hướng tới điều tốt đẹp; xây dựng niềm tin vào nền giáo dục là vô cùng quan trọng.
Tại họp báo, nhiều câu hỏi khác của báo chí liên quan đến Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2020 được đại diện Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, Ban giám khảo của Giải giải đáp cụ thể, chi tiết. Bên cạnh đó, các nhà báo cũng có những góp ý tâm huyết, góp phần nâng cao chất lượng Giải qua mỗi năm tổ chức.