Nơi thì đẻ nhiều...
Một số khu vực miền núi ở Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn tình trạng tảo hôn, đẻ nhiều và các hủ tục... Điển hình như tại xã Cư Pui (huyện Krông Bông, Đắk Lắk), nhiều năm nay đến đâu cũng nhìn thấy trẻ con.
Xã có 6 thôn đặc biệt khó khăn, thôn nào cũng "tranh nhau" danh hiệu “siêu đẻ”. Nghèo nên đẻ nhiều, đẻ nhiều nên nghèo - vòng tròn này đã làm cho dân khó thoát nghèo, trì trệ, khó phát triển.
Nhà vợ chồng anh Sính Mí Chá (thôn Ea Ul, xã Cư Pui) nằm cheo leo giữa lưng chừng núi, căn nhà dựng tạm bằng gỗ tạp. Năm nay chị vợ vừa tròn 34 nhưng khuôn mặt đã lộ rõ nếp nhăn chằng chịt.
Người chị xanh xao, nhợt nhạt sau lần “vượt cạn” thứ 7. Người lạ vào nhà, lũ trẻ nhà Sính Mí Chá chạy loạn xạ, đám chị lớn cười khúc khích áp má vào vách gỗ, đứa nhỏ khóc thét bá víu cha mẹ vì phần lớn đều ít tiếp xúc người lạ.
Người vợ cho biết, chị cùng anh Sính Mí Chá (SN 1980) lấy nhau từ năm 1999. Một năm sau, vợ chồng anh chị vào Tây Nguyên lập nghiệp.
Điều đầu tiên, hai vợ chồng bàn tính với nhau tại nơi ở mới là phải đẻ được vài cậu con trai đỡ đần chuyện nương rẫy sau này. Mong muốn là thế nhưng nhưng chị Sính Mí Chá lần nào cũng đẻ con gái.
Hỏi 7 gái rồi, sắp tới có sinh thêm nữa không?, giọng anh Sính Mí Chá chắc nịch: “Sinh chứ! Phải đẻ được con trai để nối dõi tông đường, để giúp đỡ chuyện nương rẫy sau này nữa chứ”.
Ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Cư Pui (huyện Krông Bông) cho biết, thời gian qua, tình trạng đẻ nhiều trên địa bàn đã có giảm nhưng vẫn còn xảy ra.
Theo ông Tâm, chủ trương của Chính phủ về khuyến khích người trước 30 tuổi lấy vợ và các ưu đãi cho người sinh con có kế hoạch sẽ tạo được những hiệu quả nhất định trong việc tuyên truyền các kế hoạch hóa gia đình, hạn chế các hủ tục trên địa bàn xã.
Nơi lại "lười" yêu
Trong khi ở các vùng sâu vẫn còn tình trạng "siêu đẻ" thì ở thành phố lớn như Buôn Ma Thuột, một bộ phận người trẻ vẫn nói không với chuyện lập gia đình.
Ông N. là lãnh đạo một đơn vị tại ngành y tế Đắk Lắk, có con trai đích tôn năm nay 32 tuổi nhưng vẫn độc thân.
Mỗi lần nhìn đám bạn cùng trang lứa của con trai lập gia đình, ông N. như ngồi trên lửa.
"Con tôi là cán bộ nhà nước, thu nhập ổn định và có công ty riêng, thế mà hằng ngày đi làm về là đi chơi cầu lông, không bồ bịch, yêu đương. Mỗi lần vợ chồng tôi đề cập đến chuyện lập gia đình là nó bỏ đi nơi khác..." - ông N. than thở.
Theo ông Trần Xuân Nhĩ - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Đắk Lắk, không riêng gì ở Đắk Lắk mà ở nhiều thành phố lớn đang có xu hướng giới trẻ ngại lập gia đình.
"Họ ngại yêu, ngại ràng buộc, thích tự do đi du lịch, hưởng thụ" - ông Nhĩ nói và cho rằng, chủ trương khuyến khích kết hôn trước tuổi 30 của Chính phủ là đúng đắn trong giai đoạn hiện nay để tránh các hệ lụy về lâu dài.
Hệ lụy mà ông Nhĩ nói chính là các rủi ro trong quá trình sinh sản của phụ nữ sau tuổi 30, hay như tình trạng mất cân bằng giới tính về lâu dài...
Tuy vậy, ông Nhĩ mong muốn các bộ ban ngành sớm ban hành các hướng dẫn về việc các đối tượng nào được giảm thuế, ưu tiên mua nhà xã hội.
"Các đối tượng như thế nào thì được giảm thuế, được ưu tiên mua nhà xã hội? Tôi mong sớm có hướng dẫn để áp dụng vào trong thực tiễn" - ông Nhĩ nói.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, trong đó có một số quy định như: “Hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình: Phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi…”.