Khuyến khích học sinh thi "An toàn thông tin" năm 2022

GD&TĐ - Cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022 dành cho học sinh THCS trên toàn quốc sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến, dự kiến từ ngày 3/3 đến 24/3/2022.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hưởng ứng cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022.

Theo đó, đối tượng dự thi là học sinh cấp THCS trên toàn quốc. Hình thức thi trực tuyến tại địa chỉ https://www.thihsattt.vn/. Thời gian thi chính thức từ 3/3/2022 đến 24/3/2022.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền, giới thiệu với hình thức phù hợp tới học sinh cấp THCS về mục đích, ý nghĩa của Cuộc thi; chỉ đạo các trường THCS (hoặc Khối THCS trong các trường liên cấp) khuyến khích và tạo điều kiện để đông đảo học sinh hưởng ứng tham dự Cuộc thi.

Cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin”do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam tổ chức nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng internet an toàn cho học sinh cấp THCS trên toàn quốc, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.

Giao diện của cuộc thi
Giao diện của cuộc thi

Đề thi “Học sinh với An toàn thông tin năm 2022” gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm do hệ thống thi cung cấp ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi. Thời gian làm bài của thí sinh là 30 phút.

Các câu hỏi thi là những kiến thức phổ thông về an toàn thông tin và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng theo các chủ đề gồm: Giáo dục về đạo đức, pháp luật; Kiến thức về tin học và ATTT; Bảo vệ thông tin các nhân của trẻ em và phòng chống nội dung xấu trên mạng; Phòng tránh các tương tác có hại trên mạng; Phòng tránh nguy cơ có hại trong quảng cáo và tiêu dùng trên mạng; Phòng chống nguy cơ mất an toàn mạng;  Bảo vệ trẻ em trong sử dụng mạng xã hội; Sử dụng thiết bị di động an toàn.

Việc tổ chức Cuộc thi cũng nhằm thực hiện Đề án về “Tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025” và “Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), dân số Việt Nam hiện có khoảng 98 triệu dân, trong đó có khoảng 24,7 triệu là trẻ em. Tại Việt Nam, 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet trong đó, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình một ngày từ 1-3 tiếng. Môi trường internet mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho trẻ em như: Cung cấp kiến thức, thông tin; tương tác, chia sẻ, kết nối; vui chơi, giải trí hấp dẫn, đa dạng. Tuy nhiên, internet cũng có nhiều cạm bẫy khó lường đối với nhóm đối tượng là trẻ em - vốn chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.