Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non

GD&TĐ - Việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất tăng nhanh, kéo theo vấn đề nổi cộm cần phải giải quyết, đó là việc đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập để đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân.

Cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12), nơi xảy ra bạo hành trẻ em gây bức xúc dư luận.
Cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12), nơi xảy ra bạo hành trẻ em gây bức xúc dư luận.

Hiện nay, việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất đang tăng nhanh, kéo theo đó là tình trạng gia tăng về số người lao động ở các khu vực này, đồng thời, phát sinh các hoạt động quản lý nhà nước về cư trú, an ninh trật tự, giáo dục, y tế, giao thông…Một trong những vấn đề nổi cộm cần phải được giải quyết, đó là việc đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập để đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non công lập còn nhiều hạn chế do thiếu nguồn lực; việc cấp phép cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục có chiều hướng gia tăng nhưng có tính chất “chữa cháy” do các cơ sở này thiếu các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên vừa thiếu, vừa yếu nên việc chăm sóc, giáo dục trẻ em không được đảm bảo và có nguy cơ xảy ra tình trạng bạo hành là không thể tránh khỏi.

Công nhân lao động tại các doanh nghiệp khó có thể gửi con ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập, bởi vì hầu hết công nhân là lao động từ nơi khác đến, không có hộ khẩu thường trú nên phải gửi con tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục với chi phí đắt đỏ, nổi lo bị bạo hành, giờ giấc gửi, đón con thì cứng nhắc…Do đó, nhiều công nhân rất khó khăn, không thể tăng ca để kiếm thêm thu nhập.

Nhiều công nhân phải gác bỏ hạnh phúc riêng tư để lao động hoặc gửi con về quê để ông bà chăm sóc, đây cũng là lý do mà sự gắn bó giữa công nhân với doanh nghiệp thiếu chặt chẽ như công nhân thường xuyên vi phạm hợp đồng lao động hoặc bỏ việc, nhất là công nhân lành nghề, vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động mới và bỏ ra chi phí để đào tạo nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp đã tích cực, chủ động chăm lo đời sống của công nhân như tổ chức đám cưới tập thể, tạo điều kiện về chỗ ở, tăng thêm thu nhập, xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non để giữ con cho công nhân…, nên họ rất phấn khởi, yên tâm công tác, nổ lực làm việc để cống hiến cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được điều này, số lượng doanh nghiệp chủ động đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non còn nhiều hạn chế.

Vì vậy, việc nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non để giữ con cho công nhân là cần thiết, đáp ứng đông đảo nguyện vọng chính đáng của công nhân. Các tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc kiến nghị với chủ doanh nghiệp thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống của người lao động, trong đó có việc đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non.

Nhà nước cần tích cực vận động các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non như hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính; miễn, giảm tiền thuê đất và các loại thuế theo quy định; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non…

Có như vậy, nhiều doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non để giữ con cho công nhân, để họ có thể sống hạnh phúc hơn, yên tâm công tác, góp phần đêm lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Nếu thực hiện điều này, sẽ không còn tình trạng bạo hành trẻ em, cũng như nhà nước không phải chịu áp lực trong việc đầu tư xây dựng thêm các cơ sở giáo dục mầm non công lập tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.