Khủng hoảng hôn nhân toàn cầu

GD&TĐ - Theo báo cáo từ nhiều quốc gia trên thế giới, tỷ lệ li hôn tăng mạnh trong năm 2020. Nhiều người đổ lỗi cho Covid-19, nhưng đại dịch thực ra chỉ là giọt nước tràn li.

Phụ nữ thời nay không sợ độc thân hoặc làm bà mẹ đơn thân.
Phụ nữ thời nay không sợ độc thân hoặc làm bà mẹ đơn thân.

Từ khi bước sang thế kỷ XXI, tỉ lệ kết hôn toàn cầu đã liên tục giảm. Ngược lại, tỉ lệ li hôn, sống thử, trẻ em khai sinh ngoài giá thú tăng cao. 

Suy giảm trước đại dịch

Năm 2018, 2 nhà xã hội học Cheng Tong Lir Wang và Evan Schofer của Đại học California (Mỹ) báo cáo thống kê tỷ lệ kết hôn và li dị của 84 nước, trong 4 thập kỷ (từ năm 1970 - 2008). Họ cho biết, tỷ lệ li dị bình quân đã tăng hơn gấp đôi, từ 2,6/1000 lên 5,5/1000 người. 

Cũng theo Wang và Schofer, tỷ lệ li hôn có sự chênh lệch tương đối lớn ở một số nước. Ví dụ như tại Sri Lanka (Nam Á) và Peru (Nam Mỹ), nó chỉ 0,45 - 0,46/1000 người. Còn tại Kazakhstan (Nam Á) là
19,01/1.000 người. 

Xét trên khu vực, tỷ lệ li hôn ở châu Âu và châu Mỹ Latinh là cao nhất. Tại các quốc gia ở châu Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ li hôn có chiều hướng thấp hơn.

Tại các quốc gia ở châu Phi và Trung Đông lại càng thấp. Tuy nhiên, giữa các nước vẫn có chung một đặc điểm: Tỷ lệ li hôn tăng dần qua các năm.

Khủng hoảng hôn nhân toàn cầu ảnh 1

Ngược lại, tỷ lệ kết hôn đi theo chiều hướng giảm. Tại khu vực EU, tỷ lệ này giảm từ 7,8/1.000 người vào năm 1965 xuống còn 4,4/1.000 người vào năm 2017. Theo báo cáo từ Liên Hợp Quốc trên 100 quốc gia, tỷ lệ kết hôn nhìn chung trong khoảng 1970 - 2005 giảm 4 - 5/1.000 người.

Chạm đáy vì Covid-19

Từ tháng 4/2020 tại Trung Quốc, số lượng đơn xin li dị bắt đầu gia tăng. Theo báo cáo từ văn phòng dân sự thành phố Thâm Quyến, số vụ li hôn trong tháng 4 là 3.500. Nửa đầu tháng 6/2020, Thâm Quyến thông báo không thể tiếp nhận thêm đơn, vì lịch giải quyết li hôn đã kín đến cuối năm.

Khủng hoảng hôn nhân toàn cầu ảnh 2

Tại các quốc gia khác khắp thế giới, tỷ lệ đơn xin li hôn cũng cao đột biến. Ở Ả-rập Xê-út, số các vụ li hôn năm 2020 cao hơn năm 2019 30%. Tại Mỹ, 20% các cặp vợ chồng kết hôn trong năm 2020, li hôn chỉ sau từ 5 tháng sống chung trở xuống. Tại Anh, lượng người xin tư vấn li hôn từ tháng 7 – 10/2020 tăng 122% so với cùng kỳ năm 2019. 

Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng bất thần này là xung đột gia đình vì đại dịch. Covid-19 buộc nhiều quốc gia, khu vực phải cách li, phong tỏa. Nó khiến thời gian các cặp vợ chồng ở cùng nhau dài ra. Sự tiếp xúc thường xuyên gây nảy sinh các bất đồng không thể dung hòa. Khi mối quan hệ trở nên căng thẳng, nhiều người quyết định đi tới bước cuối cùng: Li hôn để giải thoát.

Dự đoán sang năm 2021, số lượng các cuộc li hôn trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. 

Một mình không quá khó

Từ năm 2002, Duncan White (tổ chức tư vấn lớn nhất của Vương quốc Anh) đã cảnh báo: Chỉ 30 năm nữa, hôn nhân sẽ kết thúc. Tính đến nay, gần 20 năm đã qua và hôn nhân thật sự rơi vào sự suy giảm trầm trọng trên toàn cầu.

Trái lại, tỷ lệ cặp đôi sống thử và trẻ em khai sinh ngoài giá thú tăng mạnh. Nếu vào năm 2000, tỷ lệ trẻ sơ sinh ngoài giá thú ở EU chỉ chiếm 25,4% thì tới năm 2018 đã vọt lên 42,4%. Ở một số quốc gia thuộc khu vực, số trẻ em khai sinh ngoài giá thú còn chiếm trên 50%, ví dụ như Bulgari (58,5%), Pháp (60,4%), Ireland (70,5%).

Bên ngoài EU, nhiều quốc gia cũng báo cáo tỉ lệ trẻ em ngoài giá thú tăng dần đều qua các năm, ví dụ như Na Uy, Thụy Sĩ, Bắc Macedonia, Serbia…

Vào năm 2007, các nhà xã hội học Na Uy thực hiện một cuộc khảo sát về thực trạng sống thử. Họ nhận được kết quả, 80% dân số trưởng thành thừa nhận thích và đã trải nghiệm.

Tại Mỹ, số các cặp đôi sống thử tăng từ 1,6 triệu vào năm 1980 lên 8,5 triệu vào năm 2018. 

Số lượng các gia đình đơn thân (chỉ mẹ hoặc cha với các con) cũng tăng nhanh, đặc biệt là ở các nước giàu. Tại Canada, 19,2% trẻ em sống cùng cha/mẹ đơn thân (81,3% sống với mẹ đơn thân). Tại Mỹ, số trẻ em sống trong gia đình đơn thân chiếm hẳn 27% (80% sống với mẹ đơn thân). Nhìn chung, phần lớn gia đình đơn thân là phụ nữ nuôi con một mình. 

“Với các chị em ngày nay, độc thân nuôi con không còn quá khó khăn”, Janet Johnson (Mỹ) phân tích. “Ví dụ như ở Iceland, bà mẹ đơn thân được phép nghỉ sản 9 tháng có lương, miễn giảm chi phí cho con em đi học trường mầm non…”. Các quốc gia khác tuy không hào phóng bằng Iceland, nhưng đều có chính sách hỗ trợ bà mẹ, trẻ em neo đơn.

Trên tất cả, giới trẻ ngày nay xem độc thân như xu hướng. Ở hầu hết các quốc gia phát triển, độ tuổi kết hôn trung bình ngày một gia tăng. Nếu vào thập niên 1990, độ tuổi kết hôn trung bình của Hàn Quốc là 24 thì đến năm 2015 đã vọt lên 30. Nữ giới trong độ tuổi kết hôn ở đây còn kêu gọi nhau theo chủ nghĩa 4 không: Không yêu đương, không kết hôn, không tình dục, không con cái. 

Tại Nhật Bản, 70% dân số từ 16 tuổi trở nên cho rằng không nhất thiết phải kết hôn. Tỷ lệ người Nhật Bản trong độ tuổi 20 - 49 độc thân chiếm 25%. Ngay cả ở đất nước trọng “thành gia lập thất” nhất thế giới là Trung Quốc, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên độc thân cũng 15% (khoảng 200 triệu người). Ở Mỹ, con số này là 45% và ở Thụy Điển cao 51%. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.