Trên thực tế, Israel và Palestine không phải những nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu thế giới như Nga – một trong những quốc gia sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới.
Đó là lý do ngay khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra đã thổi bùng khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Còn sau xung đột Israel - Hamas, dù giá dầu tăng nhưng thế giới vẫn đang quan sát tác động của nó lên thị trường dầu mỏ thế giới nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Không chủ quan nhưng xung đột Israel - Hamas là không thể xem nhẹ vì nó xảy ra tại khu vực Trung Đông, nơi có trữ lượng dầu và khí đốt lớn nhất thế giới. Trong trước mắt, cuộc xung đột này mới tác động lên giá dầu mỏ nhưng chưa ảnh hưởng đến việc xuất khẩu năng lượng.
Cụ thể, tính đến ngày 13/10, giá dầu tăng gần 6%, trong đó giá dầu Brent giao sau đã tăng 4,89 USD lên 90,89 USD/thùng, tương đương mức tăng 5,7%. Còn giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 4,78 USD lên 87,69 USD/thùng, tương đương mức tăng 5,8%.
Tuy nhiên, rủi ro nằm ở chỗ xung đột có thể lan sang các nhà sản xuất năng lượng lớn ở Trung Đông như Iran hay Ả-rập Xê-út. Nếu Iran bị kéo vào xung đột, vấn đề nguồn cung sẽ xảy ra.
Nói như Ngoại trưởng Iran, Hossein Amirabdollahian, nếu Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt vào Iran do nghi ngờ vai trò của nước này trong xung đột Israel-Hamas, nguồn cung dầu của Iran có thể giảm, dẫn đến giá dầu tăng và lạm phát cao hơn.
Thế giới còn lo ngại Israel sẽ tấn công trả đũa trực tiếp vào Iran. Nếu kịch bản này xảy ra, giá dầu sẽ tăng dựng đứng, nhất là khi các bên có liên quan tấn công vào các cơ sở khai thác, sản xuất và vận chuyển dầu mỏ.
Giá dầu tăng mạnh sẽ kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Thế giới có thể nhìn thấy bài học từ xung đột Ả Rập – Israel hồi năm 1973, dẫn đến lệnh cấm vận dầu mỏ và đẩy giá dầu mỏ tăng cao. Vì khủng hoảng trên, nền kinh tế công nghiệp trong khu vực đã trì trệ nhiều năm liên tiếp.
Ở góc độ thế giới, cuộc khủng hoảng năm 1973 khiến tăng trưởng GDP của G7 (Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Anh, Italy, Nhật) sụt giảm mạnh, kéo theo GDP của thế giới cũng trượt dốc trong giai đoạn này.
So với năm 1973, nền kinh tế thế giới hiện nay dễ bị tổn thương hơn do chưa thể phục hồi sau dịch Covid-19 và khủng hoảng từ xung đột Nga – Ukraine. Vì thế, bất cứ một xung đột khác trong “vựa” dầu của thế giới, thúc đẩy giá dầu tăng phi mã sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu dừng lại, thậm chí là quay đầu. Một khi giá dầu đã tăng phi mã, sẽ rất khó kiểm soát nó và không thể đoán trước giá sẽ còn tăng đến bao giờ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lạc quan cho rằng về mặt tổng thể, tác động của xung đột Israel - Hamas đối với giá dầu có thể không đáng lo ngại nếu không leo thang cao và lan rộng hơn.
Hơn nữa, dự kiến nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ sẽ tăng thêm ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và là nền kinh tế thứ hai thế giới, nên có thể tránh được suy thoái.
Ngoài ra, nền kinh tế dù còn yếu nhưng đã có “sức đề kháng”. Khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, các nước gần như bị động và không thể kiểm soát xu hướng lạm phát.
Nhưng với xung đột ở Trung Đông hiện nay, các quốc gia đã có kinh nghiệm xử lý và có thời gian chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là xung đột lan rộng. Vì vậy, có nhiều hy vọng về khả năng kiềm chế đà tăng giá do xung đột giữa Israel - Hamas gây ra.