Đa phần công nhân, lao động chỉ được nghỉ làm vào cuối tuần, để bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho họ, nhiều công đoàn cơ sở đề xuất triển khai việc này vào ngày lễ, ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính.
Từ yêu cầu thực tế
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV do Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tổ chức, ông Nguyễn Văn Chí - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (Bắc Giang) cho biết, thời gian qua, chính sách BHYT ngày càng phát triển, hoàn thiện theo hướng mở rộng và đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia. Tuy nhiên, thực tế có một số bộ phận không nhỏ NLĐ gặp khó khăn trong quá trình khám, chữa bệnh do không được nghỉ hoặc không muốn xin nghỉ vì ảnh hưởng đến chế độ chuyên cần…
Chính vì thế, ông Chí kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh có điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất phối hợp với ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) thực hiện triển khai khám, chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính cho công nhân, NLĐ có thẻ BHYT.
Ông Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đồng tình việc cần phải có cơ chế để công nhân lao động được khám, chữa bệnh BHYT ngoài giờ hành chính. Theo ông Dương, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo khuyến khích các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập khám, chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính. Hiện nay, trên Cổng thông tin của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang có đăng công khai những cơ sở khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ. Theo đó, hiện nay có 36 cơ sở khám vào ngày thứ Bảy; 32 cơ sở khám vào ngày Chủ nhật; 28 cơ sở khám vào ngày lễ.
Ông Dương đề nghị công đoàn cần liên hệ, nắm thông tin trên để phổ biến cho công nhân, lao động. Ngoài ra, tới đây, tỉnh Bắc Giang sẽ giao trách nhiệm cho Trung tâm Y tế khu công nghiệp tỉnh này, đây là trung tâm vừa thành lập, đủ điều kiện để mở phòng khám đóng tại thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên) thực hiện khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ.
Tổ chức khám, chữa bệnh ngoài giờ hành chính
Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2023 mới đây, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toyoda Giken Việt Nam Vũ Thị Thu đặt câu hỏi về việc triển khai khám, chữa bệnh vào ngày Chủ nhật, ngoài giờ hành chính cho NLĐ có thẻ BHYT.
Về nội dung này, Giám đốc BHXH TP Hà Nội Phan Văn Mến cho biết: Tại Khoản 10 Điều 27 Nghị định 146/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, chúng tôi đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố hàng năm đều có văn bản chỉ đạo giao Sở Y tế phối hợp với BHXH yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện khám chữa bệnh kể cả vào ngày nghỉ lễ, Tết, Chủ nhật.
Trong quy định này giao trách nhiệm cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT phải thông báo trước cho người bệnh. Đồng thời, thông báo bằng văn bản cho cơ quan BHXH để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ để làm cơ sở thanh toán. Các cơ sở khám chữa bệnh đã nghiêm túc thực hiện nội dung này.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Hà Nội đã có 29 cơ sở khám, chữa bệnh có tổ chức khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ cho người bệnh và được thanh toán đúng theo quy định của Bộ Y tế. Thời gian tới, BHXH TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh khám chữa bệnh BHYT vào ngày lễ, ngày nghỉ để đáp ứng yêu cầu người bệnh.
Nhiều hình thức để công nhân khám, chữa bệnh
Giải đáp các vấn đề liên quan đến chính sách, Giám đốc BHXH TP Hà Nội Phan Văn Mến giải đáp: Luật BHXH đã được thực hiện từ năm 1/1/2007 và thay thế năm 2016 đến nay đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung. Dự thảo Luật BHXH dự kiến trình Quốc hội đang được triển khai lấy ý kiến theo hướng mở rộng quyền, lợi ích cho các đối tượng tham gia như giảm điều kiện tối thiểu về số năm tham gia để hưởng hưu, hạn chế rút một lần, tăng sự hấp dẫn chính sách tự nguyện.
Dù phương án nào thì mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích NLĐ ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng BHXH một lần.
Tính đến thời điểm hiện nay, BHXH TP Hà Nội quản lý thu của 115.000 doanh nghiệp, số thu năm 2021 xấp xỉ 55 nghìn tỷ đồng, năm 2022 là 61 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng nợ BHXH cũng rất nhiều. Trước tình trạng này, thời gian qua, thành phố đã rất quan tâm, có nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các cấp ủy Đảng, ban, ngành liên quan vào cuộc nên nợ BHXH có chiều hướng giảm…
Đối với những kiến nghị về khám, chữa bệnh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết sẽ cùng các sở, ngành tổ chức nhiều kênh, nhiều hình thức để công nhân có cơ hội khám chữa bệnh tại bệnh viện công vào những ngày thuận lợi. Trong tháng 7 tới, UBND thành phố sẽ hoàn thành đề án nghiên cứu định mức đơn giá tối thiểu trong giáo dục và y tế, trước mắt là giáo dục để bảo đảm quyền lợi hài hòa cho các em học sinh, con em công nhân, lao động…