“Khai sơn, phá thạch”
Năm 1985 thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng vùng kinh tế mới, hàng trăm hộ dân với gần 500 nhân khẩu ở các xã Xuân Thu, Bắc Phú, Tân Hưng, Kim Lũ, Minh Trí (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) đã chuyển đến Đồng Đò “khai sơn, phá thạch” dựng xây cuộc sống mới.
Nhớ lại những năm tháng gian khổ đó, bà Dương Thị Lỡ - nguyên Phó thôn Minh Tân, xúc động: “Hồi ấy mỗi hộ dân ra đi được huyện hỗ trợ gạo ăn trong 6 tháng, 400 viên ngói và khoảng 1 tạ xi măng. Từng ấy, chẳng thấm vào đâu vì khi đó cả vùng đất Đồng Đò chỉ toàn đồi núi khô cằn, hoang vắng, điện, nước không có, đường đi lối lại cách trở. Vượt qua những đói rét, bệnh tật..., bà con đi khai hoang vẫn kiên cường bám trụ ở Đồng Đò, khai sơn, phá thạch để sinh sống và lập nghiệp”.
Khó khăn gian khổ là thế, nhưng cuộc sống ở ngày một đổi thay, Minh Tân dần hình thành. Tuy vậy, đến năm 2000 nơi đây vẫn là thôn vùng sâu, vùng xa duy nhất của Thủ đô không có điện lưới quốc gia.
Năm 2000, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã đến thăm bà con khu kinh tế mới Đồng Đò. Chứng kiến cảnh khốn khó của người dân nơi đây nên lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kéo điện lưới cho bà con.
|
Hơn 30 năm qua, những người đầu tiên đặt chân lên khu kinh tế mới Đồng Đò – nay là thôn Minh Tân (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả tính mạng để biến một vùng đồi núi khô cằn sỏi đá thành những cánh rừng, vườn cây xanh mướt, giàu tiềm năng kinh tế và du lịch.
Vất vả, kiên trì biến “sỏi đá thành cơm”, gắn bó với mảnh đất mới, tuy nhiên nhiều hộ dân ở Minh Tân đến giờ vẫn chưa được cấp “sổ đỏ” để minh chứng cho những nỗ lực “khai sơn, phá thạch” của mình. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy chán nản khi chính những người có công khai hoang, phục hóa gần đây lại mang tiếng là những người xâm lấn, phá hoại rừng phòng hộ.
Ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch xã Minh Trí, khẳng định: “Đúng là dân (thôn Minh Tân - trước kia là khu kinh tế mới Đồng Đò - PV) có trước, rừng có sau. Bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ nằm trùm lên khu dân cư”.
Lý giải về việc chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc hơn 200 hộ dân vùng kinh tế mới nằm trong vùng quy hoạch rừng phòng hộ - đặc dụng, ông Nhuận cho biết, năm 1993, khi có cán bộ về đo vẽ bản đồ rừng phòng hộ, chính quyền xã vì nhiều lý do chưa chủ động trong công tác dẫn đạc (dẫn người đi đo vẽ bản đồ). Khi đo đạc bản đồ, chỉ có thôn Minh Tân - trong số 8 thôn của xã - bị “bỏ quên”.
Theo ông Nhuận, trước những ý kiến phản ánh của người dân, năm 2006 huyện Sóc Sơn có kiến nghị đo đạc lại bản đồ để tách các hộ dân và chia cho mỗi hộ 400m2 đất ở, còn lại là đất rừng và không nhà nào có quá 2.000m2 đất nhưng bà con không đồng ý. “Dân không đồng tình nên không đo được. Vì vậy, năm 2008 khi làm quy hoạch rừng phòng hộ do không có cơ sở tách ra nên vẫn giữ nguyên đến nay”, ông Nhuận chia sẻ.
“Đời cha ông rồi tới đời chúng tôi, con cháu chúng tôi đã bỏ ra bao nhiêu công sức để trồng lên những cánh rừng, vườn cây tươi tốt như hiện nay, sao lại nói chúng tôi lấn chiếm, xâm phạm đất rừng phòng hộ?” - ông Cường, Trưởng thôn Minh Tân bày tỏ. Người đứng đầu thôn Minh Tân cho biết, người dân nơi đây bất ngờ và bức xúc hơn khi biết tin mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án Điều chỉnh quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn từ tháng 5/2008.
“Rừng phòng hộ ở Minh Tân chỉ hình thành khi người dân chúng tôi bỏ công, bỏ sức ra khai hoang, chăm bẵm. 10 năm qua chúng tôi không hề biết gì về quy hoạch cả vùng này thành rừng phòng hộ. Họ đi đo đạc, cắm mốc thực địa cũng không báo cho dân, cũng không họp bàn với dân. Vì thế dẫn tới việc quy hoạch chồng lấn lên các vùng dân cư đã sinh sống lâu đời và hợp pháp”, ông Nguyễn Đình Cường nói.
|
Gian nan đường đến trường
Theo nhiều người dân nơi đây, do vị trí khu kinh tế mới cách xa trung tâm xã cả chục cây số nên trước đây việc học hành của các cháu nhỏ được lãnh đạo địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện. 6 giáo viên đã được cử “cắm thôn, cắm bản” giảng dạy cho khối tiểu học và mầm non. Tuy nhiên, từ năm học 2017 - 2018 các cháu học sinh tại đây phải di chuyển hơn 10km để đến điểm trường trung tâm xã để học. “Không chỉ đường sá xa xôi mà những hôm nắng nóng đường bụi mịt mù hay những hôm mưa gió, đường sá lầy lội, trơn trượt, các cháu đi học vô cùng vất vả”, ông Nguyễn Đình Cường nói.
Bà Nguyễn Thị Trang (đội 2, thôn Minh Tân) - phụ huynh của 4 cháu nhỏ khối mầm non và tiểu học tâm sự: “Điểm trường trung tâm xã cách nhà hơn 10km nên những ngày nắng ráo việc đưa đón con cháu đi lại còn đỡ vất vả. Những ngày mưa gió thì rất khổ cực. Trong khi đó điểm trường tại thôn Minh Tân lại bỏ hoang không giảng dạy nữa”.
“Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, lại phải bố trí người đưa đón con đi học. Trước đây, các cháu được đi học tại trường ngay trong thôn mà bây giờ bắt các cháu phải ra tận ngoài trung tâm xã mới được học. Chúng tôi chỉ mong các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện để các cháu được tiếp tục theo học tại trường cũ (Trường Tiểu học Minh Trí II)” - ông Nguyễn Đình Trọng bày tỏ.
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) cho biết, việc chuyển các cháu học sinh đang theo học tại Trường Tiểu học Minh Trí II ra trường trung tâm xã là chủ trương của phía UBND huyện Sóc Sơn. Theo ông Thanh, do số lượng tại Trường Tiểu học Minh Trí II quá ít, phải học ghép nhiều lớp nên nhiều em không theo kịp chương trình. Vì vậy, phải chuyển ra trung tâm xã nhằm giúp các cháu học sinh có điều kiện được hòa nhập và theo kịp chương trình học tập.
Khi được hỏi về quan điểm và hướng giải quyết về cơ sở vật chất khi Trường Tiểu học Minh Trí II (thôn Minh Tân, xã Minh Trí) đóng cửa, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng việc này do phía UBND huyện quyết định còn phía Phòng GD&ĐT chỉ thực hiện công tác chuyên môn.