Không xác định được số chi đầu tư phát triển cho KHCN địa phương

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, hiện không xác định được con số chính xác về chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ tại các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Cần sửa đổi quy định hiện hành

Trả lời chất vấn đại biểu cuối phiên làm việc buổi sáng 7/6, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện không xác định được con số chính xác về chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ tại các địa phương. Vì vậy, cần thiết sửa đổi các quy định hiện hành để có cơ sở hoạch định chính sách phát triển trong lĩnh vực này.

Về phát triển thị trường khoa học công nghệ, Bộ trưởng cho biết, hiện vẫn thiếu các tổ chức trung gian để kết nối bên cung và bên cầu về công nghệ. Bên cạnh đó là những khó khăn trong thực hiện cơ chế chính sách. Do đó, chưa khuyến khích việc chuyển giao khoa học công nghệ vào cuộc sống.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai các chương trình khoa học công nghệ quốc gia để nâng cao năng lực nghiên cứu của các Viện, các trường, năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp. Tăng cường năng lực các sàn giao dịch công nghệ quốc gia theo chiều sâu.

Đồng thời, cần mạnh dạn trao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho viện, trường, tổ chức nghiên cứu. Từ đó, khuyến khích các nhà khoa học tổ chức nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Đối với chất vấn của đại biểu về việc dành kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ, Bộ trưởng lấy ví dụ, năm 2023, tổng chi thường xuyên cho khoa học và công nghệ là 12.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 8.800 tỷ, địa phương là khoảng 3.200 tỷ đồng. Trong 8.800 tỷ đồng ngân sách trung ương, chi hỗ trợ cho lương và hoạt động bộ máy khoảng 900 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ chiếm 89%.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhấn mạnh về tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các vị đại biểu Quốc hội và xã hội ghi nhận bản chất rủi ro của hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ. Tính mới, tính dấn thân của hoạt động nghiên cứu nên quá trình nghiên cứu có thể không thành công. Đề tài nghiên cứu không thành công cũng là một đóng góp để làm rõ hướng đi cho cộng đồng khoa học trong các nghiên cứu khác.

Về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, Bộ trưởng khẳng định, điểm cốt lõi là cần lựa chọn và sử dụng theo trình độ chuyên môn, không bị ràng buộc bởi các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn mang tính chất hành chính. Đồng thời, giao quyền chủ động cho người làm công tác nghiên cứu.

Đối với việc thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đây là một mô hình mới. Do đó, cần thời gian xem xét, đánh giá hiệu quả của trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Sau đó, mới tiếp tục nhân rộng thành lập các địa phương khác.

Tỷ lệ chi giảm dần

Chiều cùng ngày, giải trình về chi cho đầu tư khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trách nhiệm của Trung ương đã chi theo đúng quy định theo Nghị quyết của Quốc hội và Luật Đầu tư công; bố trí có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, từ năm 2017 - 2023, tỷ lệ chi giảm dần, chỉ đạt 1,1 - 1,18%. Riêng năm 2023 là 0,83%. Trong khi đó, Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm. Điều này cho thấy, các bộ, ngành địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa có đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn. Có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỷ lệ rất thấp cho hoạt động này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Về Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định ba đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực. Đồng thời, được lồng ghép thêm hai vấn đề cốt lõi là khoa học, công nghệ mới, sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Xuất phát từ quan điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng và quyết định thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Hòa Lạc. Đây là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Chức năng của Trung tâm là xây dựng hệ sinh thái cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Áp dụng các cơ chế chính sách vượt trội, đào tạo nguồn nhân lực. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Kết nối các viện, trường, các cơ sở nghiên cứu trong nước và ngoài nước, các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo trong nước và ngoài nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiện, có khoảng 5.000 doanh nghiệp được tiếp cận chương trình này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với TPHCM, TP. Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế nhân rộng mô hình này, với tinh thần kết nối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia nhưng địa phương đầu tư và quản lý.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, hiện đã xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Theo đó, đã hình thành được 8 văn phòng ở các nước phát triển, quy tụ gần 2.000 chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới trong mạng lưới này. Đây là một nguồn lực hết sức quý giá, vô giá để kết nối với trần lực lượng nghiên cứu trong nước, hỗ trợ bổ trợ cho trong nước, tranh thủ nguồn lực này phát triển đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ