Không tinh giản giáo viên một cách cơ học

GD&TĐ - Câu chuyện tinh giản biên chế đang khiến nhiều GV lo lắng vì có sự cắt giảm một cách cơ học. Trong đó, đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên hợp đồng đang là đối tượng bị tác động nhiều nhất.

Nhiều giáo viên công tác nhiều năm trong ngành GD có nguy cơ chấm dứt hợp đồng lao động vì tinh giản một cách cơ học (ảnh minh họa)
Nhiều giáo viên công tác nhiều năm trong ngành GD có nguy cơ chấm dứt hợp đồng lao động vì tinh giản một cách cơ học (ảnh minh họa)

Còn nhớ đầu năm nay, hàng trăm giáo viên hợp đồng của huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã “đứng ngồi không yên” khi nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng. Một trong những lý do của sự việc trên, đó là chính sách tinh giản biên chế của huyện. Ngay sau sự việc xảy ra, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng để bảo vệ quyền lợi cho giáo viên.

Các ngành chức năng cũng vào cuộc để làm rõ sự việc. Kết quả, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra những sai phạm của UBND huyện Krông Pắk. Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận về việc này, trong đó nêu rõ kiểm điểm trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân liên quan như: Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk; chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Đồng thời yêu cầu Chủ tịch huyện này khẩn trương khắc phục số lượng giáo viên thừa theo quy định.

Hay như vụ việc gần đây nhất, đó là, hơn 400 giáo viên hợp đồng của huyện Thanh Oai (Hà Nội) cũng đang trong tình cảnh “dở khóc, dở cười” khi nhận được thông báo của UBND huyện về chuyển chủ thể ký hợp đồng. Theo đó nguy cơ chấm dứt hợp đồng có thể xảy ra khiến hàng trăm giáo viên “như ngồi trên đống lửa”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc trên cũng là thực hiện chủ tương, chính sách tinh giản biên chế của địa phương.

Thực tế cho thấy, hiện nay, các địa phương đang quyết liệt thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Cụ thể, Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nêu rõ: Đến năm 2021 từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương đơn vị sự nghiệp phải giảm được tối thiểu 10% biên chế.

Chủ trương thì đúng nhưng cách hiểu, cách làm của nhiều địa phương vẫn còn lúng túng và còn nhiều điều đáng bàn. Điều đó khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Nhiều người lo ngại, đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên hợp đồng sẽ bị cắt giảm một cách cơ học mà không cần có sự sàng lọc, sắp xếp hợp lý, cho dù nhiều thầy, cô giáo rất tâm huyết và là giáo viên dạy giỏi.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Thực hiện máy móc cắt giảm 10% số giáo viên là chưa chuẩn xác. Nghị quyết số 19 không phải bắt cắt đi 10% số giáo viên.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kinh tế - xã hội với tất cả các địa phương trên cả nước, được tổ chức đầu tháng 7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có ý kiến về vấn đề này. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và các địa phương phải hiểu đúng Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp và tinh giản biên chế, đặc biệt tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở các nơi, nhất là giáo viên bậc phổ thông. Nơi nào thừa thì cần có thời gian để chuyển đổi nhưng những nơi thiếu không vì thế mà không tuyển dụng ngay. Về nguyên tắc, chúng ta phải đủ giáo viên để dạy cho học sinh.

Đáng tiếc là, đâu đó vẫn còn có những địa phương khi thực hiện tinh giản biên chế chỉ quan tâm đến số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng. Một trong những nguyên nhân đó là các đơn vị chưa cụ thể hóa việc mô tả vị trí việc làm của từng vị trí và từng bộ phận.

Theo đó, mỗi cơ quan, đơn vị cần xây dựng các tiêu chí đánh giá và áp dụng công khai, công bằng cho tất cả thành viên (từ lãnh đạo cho đến nhân viên). Thứ nữa, theo đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội, cần giao quyền chủ động tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên cho ngành Giáo dục, bởi trong ngành họ mới nắm chắc được các vị trí việc làm và nắm được chất lượng cũng như là số lượng cần tuyển. Trước mắt có thể chuyển giao theo hướng: Ngành Giáo dục chủ trì tuyển dụng giáo viên và ngành Nội vụ sẽ phối hợp thực hiện.

Thiết nghĩ, việc tinh giản biên chế là cần thiết nhưng phải được thực hiện thực chất, công khai và minh bạch. Các cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm túc việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phục vụ tinh giản biên chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.