Không thể ngăn chặn mạng internet vì bất kể lý do gì

GD&TĐ - Chiều 13/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật An ninh mạng. Phát biểu tại tổ về dự thảo luật Bảo vệ bí mật nhà nước và dự luật An ninh mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, mạng đã làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống kinh tế văn hoá xã hội... không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì.

Ảnh: Q.H
Ảnh: Q.H

Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết: Bộ được phân công chủ trì soạn thảo dự luật này. Xác định đây là vấn đề an ninh phi truyền thống, trong an ninh mạng phải đảm bảo cả bí mật đời tư của người dân chứ không phải chỉ an ninh chung của quốc gia.

Theo Thượng tướng Tô Lâm, quan niệm dòng chảy của thông tin giống như hệ tuần hoàn của cơ thể con người. Mạch máu và hệ tuần hoàn đó càng lưu thông, càng phát triển tốt thì cơ thể càng khỏe mạnh. Chúng ta không thể ngăn dòng tuần hoàn đó, nó nuôi sống con người, phải làm sao để hệ tuần hoàn đó không bị nghẽn mạch, không bị đột quỵ, tắc nghẽn... Nôm na là an ninh mạng phải giữ được hệ tuần hoàn thông suốt.

Bộ trưởng Công an cho rằng, nhiều thông tin độc lạ thì phải xử lý thế nào để tuần hoàn nuôi dưỡng được cơ thể tích cực đó thì cơ thể chúng ta mới khẻo mạnh, đấy cũng là mục tiêu xây dựng luật này.

Bộ trưởng Công an cũng nhấn mạnh, đời sống thực có tội phạm gì thì trên không gian mạng cũng có tội phạm đó. Đời thực xử lý được thông qua thu thập được chứng cứ, có hiện trường nhưng trên mạng là chứng cứ ảo, chứng cứ số. Khi nó bị xóa đi có thể dùng khoa học kỹ thuật để khôi phục lại. Vì vậy, để phục vụ điều tra, xét xử thì chứng cứ số cũng là vấn đề, phải quy định, nếu không xử lý rất khó khăn.

Về dự thảo luật Bảo vệ bí mật nhà nước và dự luật An ninh mạng là 2 dự án luật rất quan trọng, đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước và thực hiện hiến pháp năm 2013, liên quan đến quyền tự do dân chủ của nhân dân. Kể cả các bí mật đời tư của cá nhân, hoạt động của con người, tư liệu của con người cũng phải bảo đảm chứ không phải chỉ là vấn đề của quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, đây cũng là vấn đề rất khó, không chỉ với Việt Nam mà với thế giới. Kỹ thuật công nghệ như nước Mỹ, nhưng cũng phải hợp tác về an ninh mạng. Nhiều nước khác và ta cũng tương tự.

Thượng tướng Tô Lâm nhận định, Bộ công an đánh giá rất cao tác dụng của thông tin, của internet, mạng. Chúng ta có mạng đã làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống kinh tế văn hoá xã hội... không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì.

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an khẳng định không vì an ninh mạng mà dừng ứng dụng tiến bộ của mạng internet. Ông Lâm phân tích, nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ của mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới.

Khi vào cuộc chơi chung thì bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh nếu không làm chủ. Bộ trưởng Công an kể, một vị lãnh đạo Chính phủ Singapore có lần chia sẻ với ông là thậm chí ngôi nhà của mình trong thời hiện đại cũng có thể không phải của mình nữa, vì với các ứng dụng mạng, ông hàng xóm có thể xâm nhập được vào, biết được bí mật gia đình. 

Bộ trưởng Công an cũng cho biết, trong điều kiện Việt Nam đang phát triển Chính phủ điện tử, cách mạng công nghiệp 4.0 là ứng dụng tiến bộ CNTT, internet vào đời sống, đến tự động hóa, đời sống, tự động hoá, điều chỉnh đều là ứng dụng mạng.

Chúng ta chưa phát triển được bao nhiêu mà chúng ta còn băn khoăn lo lắng về vấn đề an ninh. Nếu phát triển được đến đâu phải đảm bảo an ninh an toàn đến đấy, hai nội dung phải song hành được với nhau. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.