Để trẻ sử dụng Internet an toàn

GD&TĐ - Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, việc để trẻ em dần tiếp xúc với những thiết bị số sẽ mang lại nhiều lợi thế. Tuy nhiên, môi trường Internet cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm, rủi ro đe dọa đến sự an toàn của trẻ. Vì vậy, việc trang bị cho các em các kỹ năng sử dụng mạng an toàn là rất cần thiết.  

Để trẻ sử dụng Internet an toàn

Mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu

Tình trạng xâm hại trẻ em qua mạng bằng hình thức khiêu dâm, dụ dỗ chat sex, cung cấp hình ảnh khiêu dâm... đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Tuy nhiên, những con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Quốc Phong cảnh báo: Bên cạnh môi trường bảo vệ của gia đình, trẻ em dành phần lớn thời gian ở trường, qua đó nhà trường là một trong những nơi phù hợp nhất cho giáo dục bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trẻ em là nạn nhân thường rất xấu hổ vì việc bị xâm hại nên ngại nói cho cha mẹ hay người chăm sóc biết và các em thường chọn giáo viên để thổ lộ và tìm sự trợ giúp. Hiện tại, các trường học chưa có nhân viên chuyên trách làm công tác bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng. Giáo viên chủ nhiệm là người được kỳ vọng sẽ chịu trách nhiệm chính.

Phải trang bị kỹ năng sử dụng Internet

Thầy Nguyễn Đức Toàn, giáo viên Trường THPT Thực nghiệm (Hà Nội) cho rằng, nhà trường có vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ em sử dụng mạng Internet an toàn. Chính vì vậy thầy đã đưa ra vấn đề tổ chức triển khai dạy học với chủ đề mạng Internet trong Trường THPT Thực nghiệm. Mục tiêu đặt ra đó là: Học sinh phải nắm được kiến thức và thực hành về chủ đề an toàn mạng. Phương pháp dạy học được lựa chọn theo dự án được kéo dài trong 2 tuần. Trong đó có 2 buổi dạy trong phòng máy và 2 buổi làm việc online và 1 buổi thuyết trình báo cáo.

Thầy Nguyễn Đức Toàn cho biết: Trong buổi thứ nhất, giáo viên tung chủ đề lớn là an toàn mạng và phát tài liệu Vietnet- ICT về cẩm nang an toàn Internet. Mỗi lớp sẽ được chia làm 9 đến 10 nhóm. Mỗi nhóm gồm 5 đến 6 thành viên bao gồm trưởng nhóm, thư kí, người tìm thông tin, người xử lý thông tin và người thuyết trình báo cáo. Thời gian làm việc của từng nhóm trong vòng 2 tuần, với việc phân công nhiệm vụ rõ ràng của từng thành viên. Trong buổi thứ hai, giáo viên sẽ hướng dẫn các nhóm tạo lập phiếu điều tra online bằng công cụ google form; Hướng dẫn các nhóm biết cách chia sẻ phiếu điều tra và thu thập thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả; Hướng dẫn các nhóm cách thức xử lý số liệu thu thập được trong google form và trong excel.

Tại buổi 3 và thứ 4, cả lớp sẽ lắng nghe các nhóm trưởng báo cáo tình hình và nhận link bản kế hoạch có các nhiệm vụ hoàn thành và chưa hoàn thành cùng minh chứng. Cuối cùng trong buổi 5, các nhóm sẽ báo cáo về những vấn đề mà mình đã thu thập được.

Các đề tài mà các nhóm thực hiện khá thành công đó là: Dự án thống kê về chủ đề Xâm hại, Game online, Mạng xã hội, Công dân số và Mua sắm trực tuyến… Thông qua quá trình tìm hiểu, khảo sát, thông kê, học sinh có đầy đủ những hiểu biết về lợi ích và tác hại của việc sử dụng mạng xã hội. Từ đó, các em trang bị cho mình những biện pháp hữu hiệu để tham gia mạng Internet được an toàn.

Khi tham gia mạng xã hội, trẻ em gặp nhiều nguy cơ xấu đó là bị xâm hại, bị bóc lột tình dục, bị dụ dỗ, lừa gạt. Các em dễ dàng bị bắt nạt, tiếp xúc với bạo lực, khiêu dâm và nội dung có hại khác, nghiện trò chơi trực tuyến và mạng xã hội. Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là trách nhiệm của: Gia đình, nhà trường xã hội và của chính bản thân các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ