Không thể chấp nhận việc thỉnh vong ở chùa Ba Vàng

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN đã có cuộc trao đổi với PV.

Thượng tọa Thích Đức Thiện
Thượng tọa Thích Đức Thiện

Sau khi báo chí phản ánh thông tin về việc chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) tổ chức gọi vong thu hàng trăm tỷ, dư luận không khỏi xôn xao, ngay khi xuống sân bay từ chuyến công tác ở An Giang về Hà Nội, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV về sự việc, cũng như lý giải rõ hơn những triết lý sâu xa trong đạo Phật.

Tăng ni, phật tử bất bình về sự việc ở chùa Ba Vàng

Keyword đầu tiên có dấu

Toàn cảnh chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh)

Thưa Thượng tọa, với tư cách là lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông có suy nghĩ gì khi đọc và xem những thông tin báo chí phản ánh về sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng “thỉnh vong giải nghiệp” thu hàng trăm tỷ? 

Tôi đọc thông tin đó khi đang trên xe từ TP.HCM đi Tịnh Biên, An Giang. Lúc đó, tôi cảm giác rất buồn cho hình ảnh của Phật giáo. Trong bối cảnh chúng tôi đang nỗ lực tập trung cho Đại lễ Vesak, đáng lẽ phải đón nhận nhiều tin vui như các vị sư xuất hiện ở những vùng khó khăn, hoặc nhiều ngôi trường được xây dựng… lại phải đón nhận tin rất buồn, định hướng sai cho xã hội.

Sau đó, tôi nhận được nhiều tin nhắn, điện thoại của lãnh đạo Giáo hội, bày tỏ bức xúc về vụ việc chùa Ba Vàng. Mới đây, tôi được tin nhắn của một thượng tọa ở Kiên Giang nói rằng, tất cả các tăng ni, phật tử trên cộng đồng mạng rất bất bình chuyện ở chùa Ba Vàng cũng như giải thích của chùa Ba Vàng.

Đây là việc rất buồn. Không chỉ tôi mà tất cả các tăng ni, phật tử cũng rất bất bình về chuyện này. Nhưng dù sao, sai đến đâu Giáo hội sẽ xử lý đến đó, cứ vi phạm là xử lý.

Theo Thượng tọa, sự việc ở chùa Ba Vàng ảnh hưởng như thế nào tới uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam?

Từ sau Tết Nguyên đán, báo chí phản ánh khá đậm nét về hoạt động tín ngưỡng, phật sự ở các cơ sở thờ tự, tôn giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong đó có cả cái tốt và cái cần xem xét lại. Sau mỗi vấn đề, Giáo hội đều vào cuộc kịp thời, tuy không thể chấm dứt bất cập ngay tức thời nhưng cũng có tác dụng để các tăng ni, phật tử nhìn lại hoạt động của mình.

Sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng rất đáng tiếc. Giáo hội đã có văn bản chỉ đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngay buổi họp với trụ trì chùa Ba Vàng để làm rõ sự việc, đồng thời xem xét nếu đúng như báo chí phản ánh sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc với vấn đề này.

Giáo hội cũng tiếp thu và không nương nhẹ những hoạt động không đúng trong cơ sở thờ tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tới đây, ngày 26/3, Giáo hội sẽ tổ chức họp, kể cả việc kiểm điểm những sự việc xảy ra, căn cứ vào báo cáo của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh và báo cáo của các cơ quan chức năng về sự việc ở chùa Ba Vàng.

Tôi được biết ngay sau khi báo chí phản ánh, TP Uông Bí đã làm việc với Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng và sơ bộ, Đại đức đã thừa nhận việc đó xảy ra ở chùa Ba Vàng.

Không có chuyện thỉnh vong để giải oan nghiệp

Keyword đầu tiên có dấu

Người dân và phật tử ngồi chờ vào phòng thỉnh vong tại chùa Ba Vàng. Ảnh: L.Đ

Vậy giáo lý nhà Phật có cho phép nhà chùa tổ chức giải vong, thu tiền của người dân không, thưa Thượng toạ?

Nói về vong và oan gia trái chủ, giáo lý nhà Phật nhấn mạnh đến học thuyết về luân hồi, nghiệp quả. Theo giáo lý Phật giáo, con người chúng ta cấu thành từ 5 yếu tố: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là vật chất, còn lại là tâm thức, tinh thần, tâm linh. Theo quy luật của Phật giáo, khi kết thúc đời sống, con người chết đi thì phần vật chất đó bị huỷ hoại, còn phần tâm thức chịu sự chi phối của nghiệp lực để luân hồi.

Vì vậy, chỉ có con người, chỉ chúng ta mới làm chủ chuyển hóa nghiệp của mình.

Đức Phật dạy ta phải tu hành, làm nhiều thiện lành, tạo nhiều thiện căn tốt, duyên tốt để chuyển hóa nghiệp của mình, chứ không có việc thỉnh một cái gì đó để giải oan nghiệp. Đức Phật không dạy việc đi thỉnh như chùa Ba Vàng đang thực hiện.

Tôi chưa tham dự lễ này ở chùa nhưng qua các video trên mạng tôi thấy có nhiều vấn đề chưa đúng với giáo lý nhà Phật.

Nếu phân tích như Thượng tọa, những sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng có phải là truyền bá mê tín dị đoan?

Bàn về mê tín hay chính tín thì ranh giới rất mong manh, nhưng không có việc thỉnh vong để hóa giải nghiệp oan gia, đó là cái không đúng. Nghiệp của mình là tự mình phải làm việc tốt để hóa giải cho mình. Dẫn dắt người ta đi vào con đường mê lầm, tà kiến là không đúng với chính pháp.

Những nhận định nói về việc từ bao nhiêu kiếp trước có nghiệp gì đó như ở chùa Ba Vàng, đó là cách dẫn dụ con người ta vào con đường tà kiến và mê lầm. Tôi cũng trực tiếp nghe, xem nhiều đoạn video báo chí phản ánh về một số hoạt động tại ngôi chùa này, thấy phật tử nhắc đến rất nhiều từ cúng dường, thậm chí có cả hình thức “trả góp”, đó không phải chủ trương của đạo Phật hay Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Việc chùa Ba Vàng thỉnh vong và nhận nhiều tiền của người dân có phải lừa đảo không, thưa Thượng tọa?

Để kết luận việc này phải chờ cơ quan chuyên môn của chính quyền. Giáo hội chỉ khẳng định việc thỉnh vong là không đúng. Việc hóa giải oan gia, nghiệp của mình do chính mình chứ không thỉnh ai cả. Còn việc thu tiền của dân có vi phạm pháp luật hay không thuộc chức trách của các cơ quan chính quyền.

Thuyết giảng xúc phạm người khác là không thể chấp nhận

Keyword đầu tiên có dấu

Sau khi báo chí phản ánh, tối 21/3, trụ trì chùa Ba Vàng tổ chức buổi thuyết pháp thanh minh việc đóng tiền tham gia giải oan báo oán và vẫn khẳng định “oan gia trái chủ là có thật”

Không những thế, việc phật tử của chùa Ba Vàng - bà Phạm Thị Yến khi thuyết giảng tại chùa đã nhắc đến những con người cụ thể và có những lý giải xúc phạm đến họ, cũng khiến dư luận bất bình. Điển hình như việc bà Yến dẫn chứng cô gái giao gà ở Điện Biên bị sát hại thương tâm hay việc các anh hùng liệt sỹ hy sinh đều là do họ có ác nghiệp từ nhiều kiếp trước nên bị quả báo. Thượng tọa nghĩ sao về việc này?

Việc chúng ta đem hình ảnh của nữ sinh ở Điện Biên vừa rồi bị những đối tượng xấu trong xã hội hãm hiếp và giết hại, đem câu chuyện đó để giải nghĩa cho những oan gia trái chủ hoàn toàn không đúng với tôn chỉ, giáo lý của đức Phật, không đúng với chủ trương của Giáo hội và không phù hợp với đạo đức xã hội. Chúng ta không thể chấp nhận được việc đó, nhất là khi nó xảy ra ở một ngôi chùa nổi tiếng.

Việc để phật tử thuyết giảng trong chùa thuộc trách nhiệm của trụ trì nhà chùa. Giáo hội sẽ kiểm điểm lại trụ trì ngôi chùa Ba Vàng - thành viên của Giáo hội trong chuyện này.

Hình thức xử lý nếu có vi phạm sẽ thế nào, thưa Thượng tọa?

Trụ trì chùa phải chịu trách nhiệm việc thuyết giảng tại chùa. Chùa Ba Vàng cách đây hơn 1 năm đã xảy ra xung đột với tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ và Giáo hội phải đứng ra giải quyết, trong đó có nhấn mạnh vấn đề thuyết giảng, tôn trọng các niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo…

Cũng cách đây không lâu đã xảy ra xung đột giữa một vị sư tăng với phật tử Phạm Thị Yến tại chùa Ba Vàng. Đây được coi là việc tái phạm với phật tử Phạm Thị Yến. Tuy nhiên, Giáo hội không quản lý tới các phật tử mà trụ trì chùa chịu trách nhiệm.

Còn hình thức kỷ luật sẽ giao cho Ban trị sự. Giáo hội có nhiều hình thức kỷ luật như xem xét có còn đủ ủy tín và năng lực đảm nhận công việc trong Giáo hội hay không, hay việc tham gia vào các hoạt động xã hội, quản lý tăng ni, nhân sự trong chùa thế nào… Từ đó, Ban trị sự địa phương phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý cụ thể.

Từ vụ việc ở chùa Ba Vàng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có chỉ đạo rà soát việc tương tự ở những ngôi chùa khác không?

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo có Ban kiểm soát T.Ư, Ban pháp chế T.Ư, Ban trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố cũng có ban kiểm soát và ban pháp chế thực hiện nhiệm vụ này. Không phải vì vụ việc ở chùa Ba Vàng mới làm việc đó mà đó là việc thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, đây là trường hợp cá biệt.

Hơn nữa, chùa Ba Vàng là ngôi chùa lớn, Quảng Ninh coi đây là điểm du lịch nên có thể nương nhẹ, lơ là trong quản lý hoặc tin tưởng sư trụ trì nên có thể nương nhẹ việc đó. Còn việc kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động của tăng ni là việc thường xuyên.

Cảm ơn Thượng tọa!

Theo Baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ