Đánh giá cần coi trọng quá trình tiến bộ của học sinh

GD&TĐ - Bắt đầu từ ngày 15/10, tất cả các trường tiểu học trên toàn quốc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về Ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học. 

Trao đổi, chia sẻ trong giờ học cũng là một cách HS tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau
Trao đổi, chia sẻ trong giờ học cũng là một cách HS tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm học 2013 - 2014, nhiều bậc cha mẹ đã ngỡ ngàng với sự… thiếu vắng của điểm số trong trang vở con em. Nhiều trường đã chủ động thực hiện ngay chủ trương của Bộ mà không cần chờ đến thời hạn, bởi theo Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Phạm Ngọc Định: “Cái gì có lợi cho học sinh, tốt cho chính con em mình, thì phải chủ động thực hiện, không máy móc, không trì hoãn”.

Cha mẹ cùng đánh giá

Chị Lê Thị Hường - Mẹ cháu Nguyễn Lê Ngọc Thái - viết trong cuốn sổ ghi chép mà cô giáo Ngô Mỹ Hạnh - Giáo viên chủ nhiệm lớp 2A3 Trường Tiểu học Trà An (quận Bình Thủy, Cần Thơ) cho chúng tôi xem như sau: 

“Cháu ngoan và đã có nhiều tiến bộ trong học tập, về nhà biết tự giác ôn bài, chữ viết đẹp hơn, các hoạt động nhanh nhẹn. Tính cháu hay học hỏi, hay hỏi cha mẹ những điều chưa hiểu. Cháu thích hát, đi du lịch, xem hoạt hình, luôn thương yêu mọi người. Tuy nhiên còn hiếu động, hay nghịch nhưng cũng hay tủi thân nếu bị la mắng”.

Ở một trang viết khác, chị Dương Giang Kha - Mẹ em Đặng Dương Ngọc Như Ý - viết: “Cháu ngoan và linh hoạt trong các hoạt động, có ý thức trong học tập, biết chia sẻ với mẹ trong việc nhà như quét dọn phòng ngăn nắp, biết tự chăm sóc bản thân, tự soạn quần áo tập sách để đi học…”.

Những trang viết này thể hiện đổi mới trong cách đánh giá học sinh tiểu học, khi việc đánh giá không chỉ là trách nhiệm của giáo viên mà còn có sự tham gia của gia đình, cộng đồng; thêm vào đó, học sinh cũng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. 

Trên thực tế, giáo viên, cán bộ quản lý các trường học theo Mô hình Trường học mới VNEN không thấy bất ngờ với Thông tư Ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học (gọi tắt là Thông tư 30) của Bộ GD&ĐT, bởi đã quá quen thuộc với cách đánh giá theo Công văn số 5737/BGDĐT-GDTH ngày 21/8/2013 của Bộ GD&ĐT về đánh giá HS tiểu học theo Mô hình VNEN. 

Theo đó, việc đánh giá yêu cầu xem xét cả quá trình học của HS theo chuẩn kiến thức kỹ năng, trong đó coi trọng đánh giá thường xuyên thông qua nhận xét của GV; đánh giá HS một cách toàn diện, không chỉ về học lực mà coi trọng các năng lực, phẩm chất của HS; HS không chỉ được thầy cô giáo đánh giá mà còn tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau, đồng thời được cha mẹ, cộng đồng tham gia đánh giá. Đặc biệt, quá trình đánh giá thường xuyên sử dụng nhận xét bằng lời hoặc viết của giáo viên.

Trước đây, chúng ta vẫn quen với việc đánh giá bằng cho điểm chủ yếu là để ghi nhận hay xác nhận kết quả học tập của HS. Mặc dù nói là đánh giá thường xuyên, nhưng chỉ có 4 bài kiểm tra, mang tính xác nhận kết quả học tập của HS. 

Thông tư 30 không chỉ xác nhận kết quả học tập mà còn đánh giá quá trình học tập của HS, xem HS ứng dụng, vận dụng kiến thức như thế nào, giáo viên đóng vai trò tư vấn hướng dẫn HS để các em tiến bộ.

Tính nhân văn của những lời nhận xét

Giáo viên quan sát và đánh giá suốt quá trình học của HS
 Giáo viên quan sát và đánh giá suốt quá trình học của HS

Theo các chuyên gia giáo dục, HS nếu đã nắm được bài và thực hiện được các mục tiêu bài học, các em sẽ thấy nhẹ nhàng hơn, tự tin trong mỗi ngày đến trường. HS còn cần phải tự hoàn thiện, tự phát triển nên việc đánh giá bằng nhận xét giúp các em nhận ra điểm yếu của mình để khắc phục. 

Nếu như cách đánh giá bằng điểm số trước đây khiến mỗi học sinh thường chỉ được nhìn nhận bằng việc các em có nhiều điểm cao không mà không mấy chú trọng những năng lực khác của học sinh, thì đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 chú trọng đánh giá quá trình học và các năng lực khác của học sinh, tôn trọng các yếu tố riêng biệt của từng em.

Thông qua đánh giá thường xuyên mà giáo viên biết được sự phát triển, mức độ tiến bộ của mỗi học sinh so với chính các em. Thay vì lấy các bạn được điểm cao làm “gương mẫu” như cách nhìn nhận chung vốn là “sản phẩm” của cách đánh giá nặng về điểm số, với những nhận xét cụ thể, chi tiết của giáo viên, mỗi học sinh được khuyến khích phát triển theo những mặt mạnh, những năng lực “sở trường” của từng em.

Đánh giá bằng nhận xét mang tính nhân văn cao, nếu giáo viên biết cách khéo léo động viên khuyến khích học sinh bằng lời nhận xét, giúp các em nhận thấy những mặt mạnh của mình, chắc chắn các em sẽ tự tin hơn, nhất là với những học sinh học chưa giỏi hay trước đây bị coi là “chậm tiến”.

Đòn bẩy cho đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

Có thể nói Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT là một bước đột phá trong thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, với mũi nhọn đột phá là kiểm tra đánh giá và thay đổi tình trạng HS và cha mẹ HS phải chịu quá nhiều sức ép từ điểm số; đồng thời tạo động lực cho việc đổi mới phương pháp dạy và học của giáo viên và học sinh.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy “đánh giá thế nào, học như thế”. Từ trước đến nay, tình trạng đánh giá nặng về điểm số dễ dẫn đến tình trạng học tủ, học vẹt, học chỉ để lấy điểm cao mà quên đi sự phát triển hài hòa của HS. 

Đánh giá bằng nhận xét khiến thầy phải sát sao hơn với trò, quan sát cách học và quá trình học của trò. Đây cũng là một thách thức cho các trường học theo mô hình truyền thống, bởi nếu GV chỉ thao thao thuyết giảng, thì không thể có thời gian quan sát, hướng dẫn học sinh. 

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách tích cực, đây cũng là cơ hội cho các trường học “phi VNEN” chủ động thay đổi phương phương pháp dạy học.

Nếu thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, việc triển khai đánh giá theo Thông tư 30 sẽ là “đòn bẩy” để các trường chủ động thay đổi cách dạy - cách học, trong đó Mô hình VNEN là một trong những cách làm tốt mà các trường có thể hướng tới. 

Các trường “hạt nhân” VNEN, với lực lượng giáo viên, cán bộ quản lý được tập huấn kỹ lưỡng và kinh nghiệm trong triển khai mô hình sẽ là nguồn lực quý giá hỗ trợ cho các trường trong cùng địa phương về việc triển khai đánh giá theo Thông tư 30 cũng như điều chỉnh phương pháp dạy - học của giáo viên và học sinh.

Cô Nguyễn Thị Mai Hoa - GV chủ nhiệm lớp 4A, Trường TH Trà An (huyện Bình Thủy, Cần Thơ) - cho biết: “Lúc đầu, khi chưa quen thì đánh giá bằng nhận xét cũng hơi khó, nhất là phải dành nhiều thời gian, bởi đánh giá bằng điểm số chỉ mất một nửa thời gian, còn đánh giá bằng nhận xét thì phải đắn đo, cân nhắc lời nhận xét của mình sao cho có tính tích cực, động viên học sinh để các em thấy những điểm chưa được của mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chưa rõ điểm đến của hệ thống Patriot được chất lên xe

Tranh cãi việc bắt sống hệ thống Patriot?

GD&TĐ - Một chiếc xe tải vận chuyển một thứ được cho là hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ, tuy nhiên, đích đến của nó vẫn đang là một dấu chấm hỏi.
Lễ hội Sen Đồng Tháp với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” diễn ra từ nay đến hết ngày 19/5.

Đồng Tháp " Rạng ngời sắc Sen"

GD&TĐ - Lễ hội Sen Đồng Tháp với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” diễn ra từ ngày 16/5 đến ngày 19/5 với nhiều hoạt động sự kiện văn hóa, văn nghệ đặc sắc.