Dự luật chính sách quốc phòng, được công bố mới đây sẽ cho phép Không quân Mỹ (USAF) cho nghỉ hưu 57 tiêm kích chiếm ưu thế trên không F-15C và F-15D lâu đời nhất của họ, cũng như 42 cường kích tấn công mặt đất A-10.
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) do Quốc hội Mỹ phê chuẩn đã chấp thuận cả hai yêu cầu từ USAF.
Việc Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ đề xuất cắt giảm ngân sách năm tài khóa 2024 sẽ giảm tổng số máy bay A-10 xuống còn 218 chiếc và F-15C/D xuống còn 92 chiếc.
Tại Mỹ trong nhiều năm qua đã có một cuộc tranh luận sôi nổi giữa Không quân và Quốc hội về việc ngừng sử dụng cường kích A-10, loại máy bay mà các phi công quân sự cho là không phù hợp với chiến tranh hiện đại.
Tuy nhiên, cho đến tận năm ngoái, Quốc hội Mỹ vẫn liên tục ngăn chặn mọi nỗ lực loại bỏ Thunderbolt khỏi USAF.
Đồng thời những tiêm kích F-15 cũ nhất sẽ được thay thế bằng máy bay cùng loại, nhưng đó là phiên bản nâng cấp F-15EX. USAF đã nhận được chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên vào tháng 3 năm 2021.
Đối với số cường kích A-10 loại biên, không loại trừ khả năng đây là bước đi đầu tiên để gửi chúng cho Ukraine, khi Kyiv đã liên tục yêu cầu loại phi cơ này từ năm ngoái.
Cường kích A-10 là đối tượng có khả năng được Mỹ dùng để viện trợ Ukraine cao nhất sau khi loại biên. |
Một chủ đề gây tranh cãi khác liên quan tới các máy bay chiến đấu F-22 Raptor, cụ thể là lô thuộc Block 20 thế hệ đầu tiên. Theo Bộ Tư lệnh USAF, chúng hiện không thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.
Những chiếc Raptor không đủ năng lực với số lượng 32 chiếc hiện nay chủ yếu được sử dụng làm máy bay huấn luyện để đào tạo phi công và kỹ sư trên mặt đất.
Có thông tin cho rằng việc đại tu những tiêm kích nói trên là “tốn kém quá mức” - theo ước tính vào năm 2022, việc khôi phục phi đội này sẽ tiêu tốn của nước Mỹ 1,8 tỷ USD và khoảng thời gian 8 năm.
Tiêm kích F-15EX sẽ thay thế F-15C/D trong Không quân Mỹ. |