(GD&TĐ) - Hiện nay, các trường phổ thông đang phải đối mặt với tình trạng học sinh chán Sử, ghét Sử. Đó là một thực tế đáng suy ngẫm. Làm sao để biến giờ Sử khô khan thành một giờ học hấp dẫn, cuốn hút, khiến học sinh yêu thích môn học này là trăn trở có lẽ không chỉ của giáo viên môn Lịch sử.
Đam mê Lịch sử và được rất nhiều học sinh yêu quý, thầy giáo Nguyễn Quốc Vương - giáo viên Lịch sử Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đã làm được điều này.
Cho HS trải nghiệm là nhà sử học
Hiện nay các phương pháp dạy học lịch sử đang được dùng như: sử dụng đồ dùng trực quan, miêu tả, tường thuật, giải thích…đang gặp khó khăn.
Theo thầy Nguyễn Quốc Vương, học sinh trong thời đại toàn cầu hóa, thông tin hóa đã tự tin và năng động hơn rất nhiều. Việc lắng nghe thụ động đặc biệt là nghe những điều đã biết không còn làm các em hứng thú. Ví dụ việc giáo viên mải mê “miêu tả” Kim tự tháp Ai cập trong khi học sinh đã biết hoặc chỉ cần một vài cú nhấp chuột là tìm thấy thông tin không đem lại hiệu quả.
“Bản thân tôi thường áp dụng các cách thức tổ chức học tập như: điều tra thông tin - thảo luận - trình bày kết quả hoặc nghiên cứu tư liệu gốc - thiết lập giả thuyết - thảo luận để khẳng định hoặc bác bỏ giả thuyết…” – thầy Vương chia sẻ.
Một cách thức khác thầy Vương thường sử dụng là khai thác kênh hình với việc cho học sinh trải nghiệm làm nhà sử học. Học sinh sẽ được cung cấp một bức tranh (tư liệu gốc), đóng vai nhà sử học giải mã bức tranh đó, thiết lập giả thuyết, tìm kiếm thông tin để bác bỏ hoặc khẳng định giả thuyết đó.
Khẳng định việc ứng dụng chủ nghĩa kinh nghiệm cũng rất quan trọng và thường đưa nội dung lịch sử gần lại với đời sống thực tế của học sinh hoặc lấy trải nghiệm của học sinh làm điểm xuất phát để tìm hiểu nội dung lịch sử, thầy Vương dẫn ví dụ:
“Khi dạy “Sơ lược về môn Lịch sử” bài đầu tiên trong chương trình lớp 6, tôi không chọn cách “truyền đạt trực tiếp” mà hướng đến việc học sinh chủ động tự mình lý giải nội dung nói trên. Để thực hiện bài học, thông qua giáo viên chủ nhiệm, tôi yêu cầu mỗi học sinh chuẩn bị 5 tấm ảnh của bản thân ở 5 thời điểm khác nhau. Bản thân tôi cũng chuẩn bị 5 tấm ảnh của bản thân ở 5 giai đoạn khác nhau cùng 5 tấm ảnh về Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử.
Bài học sẽ bắt đầu bằng việc giới thiệu về bản thân qua 5 tấm ảnh. Tiếp đến là mời 3 em học sinh giới thiệu với cả lớp về bản thân qua ảnh. Đây là bài học đầu tiên nên cũng là thời điểm thầy và trò làm quen.
Sau khi giới thiệu xong, giáo viên sẽ đặt ra câu hỏi: “Thầy và các bạn trong những tấm ảnh có thay đổi theo thời gian không?”, “Sự thay đổi đó như thế nào?”… Sau khi học sinh trả lời, thảo luận giáo viên sẽ khái quát giúp học sinh hiểu: cá nhân con người thay đổi theo thời gian với chu trình ra đời - lớn lên - trưởng thành - lão hóa. Tiếp đến cho học sinh nhận xét về sự thay đổi của Hà Nội qua các thời kì lịch sử.
Mục đích của việc làm này là giúp học sinh hiểu rằng “Sự thay đổi theo thời gian và những gì diễn ra trong quá trình đó chính là lịch sử. Có lịch sử của cá nhân, lịch sử của khu phố, ngôi làng, lịch sử của quốc gia - dân tộc, lịch sử của thế giới”. Bằng việc so sánh cảm xúc trước và sau khi làm quen đối với thầy giáo, các bạn, giáo viên sẽ dẫn dắt giúp học sinh hiểu được ích lợi của việc học lịch sử: hiểu biết dẫn đến thân thiết, yêu mến và có trách nhiệm với bản thân mình, người xung quanh và cộng đồng… Đồng thời các tấm ảnh đó cũng là tư liệu lịch sử khi tìm hiểu về cá nhân từ đó dẫn dắt học sinh hiểu về các “tư liệu lịch sử”…
Phải đổi mới kiểm tra, đánh giá
Nữ sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) |
Thông thường, khi tiến hành kiểm tra đánh giá, các giáo viên thường chỉ chú trọng đến việc học sinh ghi nhớ được những gì. Học sinh làm bài thường nhớ và ghi lại những gì giáo viên cho ghi hoặc khá hơn là sắp xếp chúng một cách lô-gic kèm theo vài lời nhận định là đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, điều mà thầy giáo Nguyễn Quốc Vương muốn nhắm tới năng lực nhận thức lịch sử khoa học và phẩm chất công dân với các đề kiểm tra dưới dạng giải mã tư liệu”hoặc đưa ra các lựa chọn dựa trên việc sử dụng các sử liệu.
Từ câu hỏi theo cách ra đề truyền thống: “Trình bày hoàn cảnh và nội dung cải cách Minh Trị ở Nhật Bản giữa thế kỉ XIX”, thầy Vương thay đổi thành:
“Vào giữa thế kỉ XIX, trước áp lực ngày một gia tăng của các nước đế quốc phương Tây, Nhật Bản đứng trước hai lựa chọn:
1. Cải cách, mở cửa để xây dựng đất nước theo mô hình các nước phương Tây để bảo vệ độc lập dân tộc.
2. Duy trì chính sách hiện thời, cự tuyệt giao lưu với phương Tây để bảo vệ độc lập dân tộc.
Trong bối cảnh đó, nhiều kế sách đã được đưa ra. Em hãy đóng vai là một người Nhật Bản đương thời có chí lớn để đưa ra kế sách cho Nhật Bản.”
Với kiểu đề truyền thống, học sinh sẽ cố gắng viết lại những gì nhớ được từ bài giảng và sách giáo khoa. Nhưng đối với đề dạng mở nói trên, trong bản kế sách của mình, học sinh đã biết đứng ở nhiều góc độ để phân tích bối cảnh lịch sử Nhật Bản và thế giới giữa thế kỉ XIX, biết so sánh trình độ văn minh của Nhật Bản và phương Tây, biết dùng các sự kiện lịch sử có thật để lập luận rất thuyết phục. Học sinh đã hóa thân thành người Nhật Bản đương thời có chí lớn hoặc một kiếm sĩ vô danh, một người ăn mày ở thành phố Edo, một du học sinh tại Anh quốc… để trình bày kế sách.
“Những đề kiểm tra như vậy luôn nhận được sự hào hứng hưởng ứng từ học sinh” – thầy Vương khẳng định.
Không phải là phương thuốc thần kỳ
Nhiều người coi đổi mới phương pháp dạy học là chìa khóa vạn năng, là phương thuốc thần kì đối với giáo dục, nhưng thầy Nguyễn Quốc Vương cho rằng, trước khi nghĩ đến phương pháp dạy học hãy nghĩ đến triết lý giáo dục:
Nghe thì có vẻ cao siêu nhưng giống như trong thực tế, trước khi nghĩ đến việc “đi đến địa điểm A như thế nào?” thì việc đầu tiên nên nghĩ đến thật cẩn thận là “đến đó để làm gì?”. Không giải quyết được vấn đề này sẽ khiến việc dạy học trở nên rắc rối và bế tắc. Xét ở phạm vi hẹp với tư cách là giáo viên dạy môn Lịch sử, phải trả lời được câu hỏi “Học Lịch sử để làm gì?”, “Lịch sử có ích gì cho cuộc sống của học sinh?”.
“Khi đưa ra câu hỏi này nhiều người sẽ trả lời ngay: “Học Lịch sử để yêu nước”, “giữ gìn truyền thống”, “để rút ra bài học trong quá khứ”…. Những câu trả lời này không sai nhưng theo tôi nó là sản phẩm thể hiện tư duy nhìn từ góc độ “quốc gia”. Trên thực tế, con người hành động vì lợi ích. Lợi ích càng cụ thể, thiết thực thì hành động càng mạnh mẽ. Giáo dục Lịch sử muốn thu hút được sự quan tâm, chú ý của người học thì nó phải đem lại lợi ích mà người học nhìn thấy và hưởng thụ trực tiếp” – thầy Vương cho biết thêm.
Chính vì vậy, khi dạy Lịch sử, bên cạnh các lợi ích nhìn từ góc độ quốc gia, thầy Vương cũng rất chú ý đến những lợi ích nhìn từ góc độ cá nhân - công dân. Xét ở góc độ này, giáo dục lịch sử phải góp phần giúp học sinh cải thiện được giao tiếp của bản thân đối với gia đình (nhiều thế hệ), cộng đồng xung quanh (địa phương, những người trong một nước và những người đến từ nền văn hóa khác).
Giáo dục lịch sử cũng phải giúp học sinh nhận thức được hiện thực đang diễn ra trước mắt, giải thích nó từ góc độ lịch sử bằng các sử liệu thực chứng. Giáo dục lịch sử phải giúp cho học sinh có những năng lực cần thiết như năng lực tư duy phê phán, năng lực đưa ra quyết định, năng lực sáng tạo, năng lực biểu hiện…
Xa hơn nữa là phải nhắm tới việc tạo nên những phẩm chất công dân tốt đẹp ở người học sinh. Giáo dục lịch sử phải góp phần quan trọng để tạo nên hình ảnh người công dân mơ ước của đông đảo nhân dân. Đó là những con người có khả năng nhận thức và cải tạo hiện thực để tạo nên một hiện thực khác tốt đẹp hơn.
Nói cách khác đó là việc học sinh đi từ học tập Lịch sử đến hành động trong thực tiễn với vai trò của người công dân góp phần sáng tạo nên lịch sử. Nghĩa là, người giáo viên khi dạy Lịch sử phải nhắm đến hình thành ở học sinh hai thứ cần thiết: năng lực nhận thức lịch sử một cách khoa học và phẩm chất công dân.
Một khi trả lời được rõ ràng câu hỏi “Dạy Lịch sử để làm gì?”, người giáo viên sẽ tìm kiếm được câu trả lời cho cho các câu hỏi tiếp theo: “Dạy cái gì?”, “Dạy như thế nào?”. Và khi làm được điều đó, thầy Vương khẳng định, giáo viên sẽ làm cho học sinh yêu thích môn Lịch sử.
Hiếu Nguyễn