Vậy nhưng cùng với đó đã xuất hiện tâm lý chủ quan. Ví như đoạn hội thoại sau của một gia đình ở Hà Nội.
Mẹ: Hai bố con nhớ đeo khẩu trang nhé.
Bố: Xời, có đoạn đường, khẩu trang, khẩu chiếc gì. Dịch đã “yên” rồi...
Đây là tâm lý chung của không ít người, với nhiều lý do để biện minh cho sự lơ là, chủ quan của mình. Và cho dù có biện minh như thế nào thì cũng là điều không nên, bởi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 từng đưa ra nhận định: Có thể từ giờ trở đi chúng ta sẽ không còn những “khoảng thời gian yên bình” như trước nữa.
Không thể đòi hỏi trên cả nước tuyệt đối không có dịch bởi nguy cơ dịch bệnh là thường trực ở tất cả địa phương. Hôm nay dịch bệnh có thể bùng phát ở tỉnh này, ngày mai có thể xuất hiện ở địa phương khác...
Thực tế, việc phòng chống dịch Covid-19 đạt những kết quả như hôm nay có nguyên nhân quan trọng là chính ý thức, sự chủ động hợp tác và hợp tác tích cực của cả cộng đồng; là nỗ lực của các cơ quan chức năng, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ. Thế nhưng phía trước, nhất là mùa đông sắp tới vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường...
Cũng xuất phát từ nhận định này, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã phải kêu gọi người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chấp hành nghiêm các biện pháp chống dịch; thường xuyên đeo khẩu trang, mỗi người dân cần thay đổi thói quen để “chung sống an toàn với dịch bệnh”.
Nếu đây có thể coi là những “biện pháp cứng” thì điều quan trọng hơn là các “biện pháp mềm” - ý thức của người dân. Cần nhắc lại rằng, từng có thời điểm, khẩu trang, nước sát khuẩn... lâm vào tình trạng có tiền cũng không mua được vì người dân đổ xô đi mua, không chỉ để dùng mà còn tích trữ. Khi đó, cơ quan chức năng đã phải rất vất vả mới có thể “vãn hồi trật tự”.
Phòng chống dịch trong bối cảnh hiện nay không nên “quá căng” nhưng không được “quá chùng”. Cái khó là ở đó. Và cũng chính vì cái sự khó này mà Bộ Y tế đã hoàn tất dự thảo hướng dẫn đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, chuẩn bị ban hành. Theo dự thảo, các địa điểm công cộng sẽ bắt buộc đeo khẩu trang là nhà ga, bến tàu xe, siêu thị… Người có mặt tại các địa điểm công cộng này sẽ thuộc nhóm bắt buộc đeo khẩu trang.
Sau khi hướng dẫn hoàn tất, Bộ Y tế sẽ gửi tới các tỉnh, thành phố dựa trên tình hình cụ thể, quyết định thời gian, địa điểm công cộng bắt buộc đeo khẩu trang. Sau khi có quy định, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 - 3 triệu đồng theo hướng dẫn mới trong Nghị định 117 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ tháng 11 tới.
Trong bối cảnh hiện nay, cẩn thận không bao giờ thừa và rất đáng tiếc khi không phải ai cũng nhận thức rõ được điều này. Vậy nên phải có chế tài mạnh hơn chứ không thể dừng ở mức độ khuyến cáo. Những giải pháp, chế tài mà Bộ Y tế đưa ra là rất cần thiết. Có điều là tổ chức thực hiện như thế nào, tránh tình trạng ban hành cho có...