Không nên sử dụng hải sản khi chưa khắc phục triệt để sự cố môi trường

Đầu tháng 9 sẽ công bố kết quả toàn diện, khẳng định hải sản ở các vùng biển có cá chết đã an toàn hay chưa.

Không nên sử dụng hải sản khi chưa khắc phục triệt để sự cố môi trường

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khi trả lời một số phóng viên báo chí ngày 25.8.

Theo ông Phong, nếu vùng biển ô nhiễm thì cũng giống như một cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, các sản phẩm được sản xuất sẽ không đảm bảo an toàn để người dân sử dụng. Do đó hải sản đánh bắt ở các vùng biển có sự cố môi trường cũng chưa nên sử dụng.

Khong nen su dung hai san khi chua khac phuc triet de su co moi truong - Anh 1

Trước nguồn tin cho rằng các kết quả xét nghiệm về cá tại các vùng biển có cá chết là tiền hậu bất nhất, ông Phong khẳng định không có sự mâu thuẫn. Theo ông Phong, kết quả xét nghiệm cá có sự khác nhau là do mẫu cá lấy tùy từng thời điểm, từng vùng biển khác nhau. Mẫu cá tháng 4 công bố chủ yếu khai thác ở vùng ngoài khơi, đánh bắt xa bờ. Còn mẫu cá lấy trong tháng 7 là cả ngoài khơi và gần bờ, trong đó có 7/27 mẫu vượt ngưỡng về kim loại nặng. Còn tháng 8 chỉ còn 1 mẫu (trong tổng số 24 mẫu) vượt ngưỡng kim loại nặng (chì).

Trước đó, một văn bản của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia gửi Bộ Y tế cho thấy, trong các mẫu cá lấy từ vùng biển Gò cá Cẩm Nhượng, chợ Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã phát hiện 5 mẫu cá có xyanua, 3 mẫu có phát hiện phenol. Cụ thể 5 mẫu nhiễm xyanua gồm: Cá mỏ neo hàm lượng độc chất 3,9 mg/kg; cá đuối, ghẹ 3 mắt lượng xyanua 0,8 mg/kg; cá nhồng 0,6 mg/kg; cá man 0,5 mg/kg. 3 mẫu phát hiện nhiễm phenol là cá đuối 14 mg/kg, cá man 8,3 mg/kg, ghẹ 3 mắt 10 mg/kg. Lượng phenol được phát hiện trong mẫu cá lần này cao hơn nhiều so với mức được phát hiện trong 20 tấn cá cục đông lạnh tại Quảng Trị thời điểm đầu tháng 6 là 0,037 mg/kg.

Ông Phong cho biết, phenol và xyanua không phải là chất nằm trong quy định về an toàn thực phẩm. Bộ Y tế chỉ kiểm tra hàm lượng các chất được quy định trong thực phẩm như hàm lượng kim loại nặng. Còn những chỉ tiêu khác như phenol, xyanua chỉ là phối hợp với bên môi trường để thực hiện nhằm làm quan trắc về môi trường biển. Ông Phong cho biết, hiện quốc tế cũng chưa có quy định ngưỡng của hai chất này trong hải sản.

“Bộ Y tế đã 4 lần mời đại diện quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới WHO, Tổ chức lương thực thế giới FAO đều khẳng định chưa có quy định nào về hàm lượng các chất này có trong thực phẩm. Đã không có quy định trong thực phẩm thì cũng chưa thể khẳng định có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không hoặc ở ngưỡng nào thì ảnh hưởng đến sức khỏe” – ông Phong cho biết.

Theo ông Phong, hiện Bộ Y tế đang chỉ đạo Chi cục an toàn thực phẩm ở các địa phương tiếp tục lấy mẫu cá cả ngoài khơi và gần bờ để xét nghiệm. “Để có câu trả lời rõ ràng về chất lượng cá tại các vùng biển này thì cần phải lấy mẫu rộng rãi hơn, ở nhiều vùng biển khác nhau, do đó cần có thời gian nhất định. Dự kiến đến đầu tháng 9 Bộ Y tế sẽ có công bố ban đầu. Mục tiêu số 1 là sức khỏe của người dân”.

“Hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ ăn cá đánh bắt xa bờ (cách bờ 20 hải lý). Đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý về chất lượng thủy hải sản cũng phải vào cuộc để trả lời người dân về vấn đề này. Nhưng về nguyên tắc là khi sự cố môi trường chưa được khắc phục triệt để thì hải sản đánh bắt ở vùng biển đó cũng không nên sử dụng” - ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định.

Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.