Góp ý xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật trình độ Đại học

GD&TĐ - Sáng 28/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm xin ý kiến dự thảo chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật trình độ đại học.

Quang cảnh tọa đàm.
Quang cảnh tọa đàm.

Đảm bảo những yêu cầu tối thiểu

Phát biểu chủ trì buổi toạ đàm tại chương trình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, trên cơ sở quy định về chuẩn chương trình đào tạo theo các trình độ, Bộ GD&ĐT cũng như các bộ, ngành liên quan thành lập các hội đồng tư vấn để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực, khối ngành, nhóm ngành; trong đó có những yêu cầu riêng cho các ngành đào tạo khác nhau.

Theo Thứ trưởng, trước đây các trường xây dựng chương trình đào tạo theo chương trình khung, quy định kỹ về những môn học bắt buộc, khối lượng bao nhiêu, thậm chí đề cương của môn học.

Chương trình khung trước đây không phải quy định toàn bộ chương trình đào tạo. Tuy nhiên, trên cơ sở khung đó, các trường bổ sung thêm những chi tiết và môn học trong chương trình của mình.

Khi có Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã không còn quy định về chương trình khung nữa. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến năm 2018 chưa có quy định mới để xác định chuẩn đầu vào, đầu ra, điều kiện bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo của các ngành phù hợp với đặc thù của các lĩnh vực khác nhau.

Với cách tiếp cận mới, căn cứ trên Khung trình độ quốc gia, chúng ta có các bậc 6, 7, 8. Bậc 6 là cử nhân, bậc 7 tương đương với trình độ thạc sĩ và một số chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù. Bậc 8 là trình độ tiến sĩ và các trình độ tương đương.

Trên cơ sở Khung trình độ quốc gia, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư quy định về chuẩn cho các trình độ này. Các Hội đồng tư vấn sẽ xây dựng chuẩn cho từng lĩnh vực.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm.

Thứ trưởng viện dẫn, trong lĩnh vực pháp luật có chuẩn chung; trong đó có yêu cầu riêng cho một số ngành. Trong chuẩn đó, yêu cầu về chuẩn đầu vào, đầu ra và các điều kiện bảo đảm chất lượng trong quá trình thực hiện. Việc xây dựng chuẩn cho từng lĩnh vực, phù hợp với yêu cầu của từng ngành phải tiến hành đồng bộ trên toàn hệ thống.

Pháp luật là một trong lĩnh vực đầu tiên được Hội đồng tư vấn đưa ra dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học để tổ chức tọa đàm, xin ý kiến và tiến hành các bước thẩm định.

Với cách tiếp cận này, chuẩn chương trình đào tạo đưa ra những yêu cầu về khối lượng kiến thức, cấu trúc chương trình đào tạo, chuẩn đầu vào, đầu ra, đội ngũ giảng viên, điều kiện thực hành.

Theo Thứ trưởng, đây là những yêu cầu tối thiểu, trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào quyền tự chủ để xây dựng chương trình đào tạo nhằm đáp ứng những yêu cầu đặt ra. Cách tiếp cận này vừa đảm bảo toàn bộ hệ thống có chuẩn mực chung, vừa tôn trọng quyền tự chủ của cơ sở đào tạo. Từ đó, dựa vào điểm mạnh, thế mạnh mỗi trường sẽ cụ thể hóa trong chương trình đào tạo.

Cần có tính khả thi

Khẳng định sự cần thiết ban hành Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật trình độ đại học, nhằm chuẩn hóa về chất lượng trong cả nước; PGS.TS Phan Trung Hiền – Khoa Luật, Trường ĐH Cần Thơ góp ý, ngoài trang bị kỹ năng viết, cần nhấn mạnh đến khả tư duy pháp lý của người học. Bên cạnh đó, cần có dự báo xu hướng phát triển lâu dài của ngành pháp luật.

Hoan nghênh chủ trương xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật trình độ đại học, PGS.TS Nguyễn Như Phát - nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, mục tiêu của dự thảo rất tốt, phù hợp với định hướng phát triển; song so với thực tại thì hơi cao.

PGS.TS Nguyễn Như Phát góp ý tại tọa đàm.

PGS.TS Nguyễn Như Phát góp ý tại tọa đàm.

PGS.TS Nguyễn Như Phát viện dẫn, trong yêu cầu về chuẩn đầu ra, người học cần có kỹ năng tư duy phản biện, phê phán và khả năng sử dụng các giải pháp thay thế trong điều kiện môi trường không xác định hoặc thay đổi liên quan tới các ngành, nghề luật.

“Yêu cầu này tốt và nếu đạt được thì rất quý. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại rất khó để đáp ứng. Do đó, để thực hiện mục tiêu này, cần có lộ trình và sự chuẩn bị kỹ lưỡng” - PGS.TS Nguyễn Như Phát nêu ý kiến.

Cũng tại tọa đàm, một số chuyên gia đề xuất, cần chuẩn bị cho đội ngũ giảng viên năng lực, cùng điều kiện cần và đủ. Trong yêu cầu về chuẩn đầu vào, nên chăng cân nhắc sử dụng môn Giáo dục công dân để xét tuyển.

Ngoài ra, nếu xét tuyển bằng học bạ nên lấy điểm trung bình học từ 6,5 điểm/môn; còn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì trong tổ hợp xét tuyển, thí sinh cần 6 điểm/môn.

Các chuyên gia trao đổi, góp ý tại Tọa đàm xin ý kiến dự thảo chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật trình độ đại học.

Các chuyên gia trao đổi, góp ý tại Tọa đàm xin ý kiến dự thảo chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật trình độ đại học.

Trước đó, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội trình bày Báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng và nội dung Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật trình độ đại học.

Báo cáo nêu Chuẩn chương trình đào tạo gồm chuẩn đầu ra của người học. Thứ nhất về kiến thức, người cần có: Kiến thức lý thuyết và thực tế cơ bản, toàn diện thuộc khối ngành pháp luật; kiến thức cơ bản về khoa học chính trị, khoa học xã hội; kiến thức về lập kế hoạch, tổ chức và giám sát các quá trình trong một lĩnh vực hoạt động nghề luật cụ thể; kiến thức cơ bản về quản lý, điều hành hoạt động chuyên môn pháp luật

Thứ hai về kỹ năng, người học có: Tư duy phản biện, phê phán và khả năng sử dụng các giải pháp thay thế trong điều kiện môi trường không xác định hoặc thay đổi liên quan tới các ngành, nghề luật; kỹ năng đánh giá tính hợp pháp, hợp lý của pháp luật trong mối liên hệ với lý luận và thực tiễn; kỹ năng giải quyết vấn đề pháp lý; kỹ năng giao tiếp và tương tác thân thiện, hiệu quả; kỹ năng diễn đạt, truyền đạt, chuyển tải, phổ biến bằng lời nói hoặc văn bản; kỹ năng trong việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể hoặc phức tạp về pháp luật.

Kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác; kỹ năng đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm; năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam và tương đương; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản phục vụ công việc văn phòng, tìm kiếm thông tin, tra cứu văn bản pháp luật trên môi trường internet.

Thứ ba, về phẩm chất, năng lực tự chủ và trách nhiệm, người học có khả năng: Làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm; hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện công việc được giao; tự định hướng, đưa ra kết luận chuyên môn và có thể bảo vệ được quan điểm cá nhân; lập kế hoạch, điều phối, quản lý các nguồn lực, đánh giá và cải thiện hiệu quả các hoạt động.

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội trình bày Báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng và nội dung Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật trình độ đại học.

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội trình bày Báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng và nội dung Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật trình độ đại học.

Về chuẩn đầu vào, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nhấn mạnh các yêu cầu với người học gồm: Tốt nghiệp THPT hoặc trình độ tương đương trở lên; Các tổ hợp môn xét tuyển phải bao gồm ít nhất 2 trong số các môn học sau: Toán học, Văn học, Vật lý, Lịch sử, Ngoại ngữ

Trường hợp xét tuyển theo tổ hợp các môn dựa trên kết quả học tập bậc THPT hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT thì mỗi môn xét tuyển phải đạt từ 6,5 điểm trở lên (theo thang điểm 10). Khuyến khích những người đã có một bằng đại học theo học các chương trình đào tạo khối ngành Pháp luật.

Đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ sở đào tạo khối ngành pháp luật trình độ đại học tham gia buổi tọa đàm.

Đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ sở đào tạo khối ngành pháp luật trình độ đại học tham gia buổi tọa đàm.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, sự cần thiết của Chuẩn chương trình đào tạo. Chuẩn này và chuẩn cơ sở giáo dục đại học có nhiều điểm mới nên cần thảo luận kỹ để tiến hành thẩm định trước khi ban hành. Chuẩn chương trình đào tạo là yêu cầu tối thiểu, khác với Chương trình và khung chương trình. Tùy từng lĩnh vực, khối ngành có thể đưa ra yêu cầu cao hơn. Mục đích là nâng cao chất lượng đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.