Mẹ và bà ngoại của học sinh Trịnh Công Sỹ - Ảnh: Trà Minh |
Một vài tờ báo đăng trường hợp học sinh không nhận được giấy báo thi tự tử thì qua điều tra đã rõ là sai sự thật (HS không nộp hồ sơ thi thì không thể có giấy báo thi). Trường hợp HS Trịnh Công Sỹ, nếu quy kết nguyên nhân em học sinh này tự tử do áp lực thi cử là hết sức vô lý. Vì trong thực tế em là học sinh giỏi lại làm được bài thi khối B và khẳng định chắc chắn thi khối A làm bài tốt, như vậy, chẳng có điều gì để nói rằng do thất vọng việc không được vào đại học mà em tìm đến cái chết.
Thầy Trần Đình Vợi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Khiết, người liên tục bị báo chí “thăm hỏi” xung quanh vụ việc đã thể hiện thái độ không đồng tình của mình: “Tôi sẽ không tiếp tục cung cấp thông tin cho báo chí nữa, vì có một vài tờ báo nhìn nhận lệch lạc vấn đề. Chị nên có một bài viết phân tích chuẩn xác sự việc này, không nên từ chuyện một học sinh thiếu nghị lực để chiến thắng chính bản thân mà đổ tại áp lực thi cử”. Ý kiến này của thầy Trần Đình Vợi làm tôi nhớ đến trong lần nói chuyện với sinh viên của Đại học Huế vào tháng 5/2010 mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đột ngột đặt câu hỏi: “Nên có hay không một khóa đào tạo kỹ năng vượt qua chính mình?”
Vấn đề mà Phó Thủ tướng đặt ra thật đáng để cho tất cả chúng ta suy ngẫm. Những mẩu chuyện đây đó, SV này hay SV khác tự tử đâu phải chỉ xảy ra ở mùa thi cử và cũng không chỉ bây giờ mới có. Xin dẫn thêm một câu chuyện riêng: ngày còn là học sinh THPT, có một tiết học giảng văn về tác phẩm: “Chiếc lá cuối cùng” của O.Henry, bản thân tác phẩm đã hay, thầy giáo dạy lại rất xúc động. Sau tiết học ấy, một người bạn hàng xóm rất thân thú nhận với tôi: “Hôm qua suýt nữa tớ nhảy xuống ao để mà tự tử chỉ vì bị cả bố lẫn mẹ bênh vực đứa em mà mắng oan tớ. Bây giờ nghĩ lại thấy ngu ngốc và bỗng dưng sợ chết…”.
Tuổi trẻ, nhất là độ tuổi chuyển tiếp giữa thiếu niên lên thanh niên thường nông nổi, có tâm lý sĩ diện, thích tập trung sự chú ý, ngưỡng mộ của người khác. Một khi không thỏa mãn được “cái tôi” ấy, thì các em rất dễ thất vọng, khi đối diện với thực tại hay có những tình huống bất thường nào đó xảy ra thì dễ hành động một cách thiếu suy nghĩ. Trong thời đại thông tin đa chiều, môi trường gia đình và xã hội có nhiều biến động như hiện nay thì việc dìu dắt, định hướng cho tuổi trẻ lại càng phức tạp hơn. Gia đình, nhất là các bậc cha mẹ đóng vai trò quyết định đối với việc hình thành phương cách sống cho con em mình. Tiếp đó là vai trò quan trọng của nhà trường trong việc trau dồi, rèn nhân cách.
Những buổi giáo dục kỹ năng sống cho các em như thế này sẽ góp phần quan trọng cho các em vững vàng hơn trong tương lai |
Tiếc thay, nhiều bậc phụ huynh trong những hoàn cảnh nhất định đã không sâu sát trong theo dõi những biến đổi về tâm sinh lý của con em mình, để có sự dẫn dắt kịp thời, đúng lúc. Về phía nhà trường, gần đây vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho HS, SV đã được đề cập tương đối nhiều và một số trường đã thí điểm việc dạy kỹ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là năng lực và ý thức trách nhiệm của người thầy ở mỗi tiết lên lớp. Các thầy cô giáo có thể “tích hợp” kỹ năng sống ở chính bài giảng hay những tiết sinh hoạt lớp, ngoại khóa, như câu chuyện về bài giảng “Chiếc lá cuối cùng” đã kể trên. Phải làm sao để các em biết yêu quý, trân trọng giá trị của cuộc sống, biết mình sống vì ai, cho ai (chứ không để “cuộc sống vốn chẳng có niềm vui” như lời tâm sự u uất của em Trịnh Công Sỹ). Khi ấy, dẫu có gặp thất bại, các em cũng vẫn có đủ nghị lực để mà đứng dậy và bước tiếp. Tuổi trẻ cần được cập nhật về tâm lý, cần được trang bị khả năng vượt qua chính mình. Đó là thông điệp từ cuộc sống!
Thúy Hồng