Không khí “thống nhất” lan tới trường học Hàn Quốc

GD&TĐ - Trước, trong và sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử, đã có nhiều ý kiến thúc giục trường học Hàn Quốc tăng cường và đổi mới hình thức dạy học sinh về “thống nhất” Bắc – Nam.

Không khí “thống nhất”  lan tới trường học Hàn Quốc

Xem thời sự “thống nhất” trực tiếp ngay trong lớp học

Một số cấp quản lý giáo dục đã cam kết tăng nỗ lực đưa giáo dục “thống nhất” tới học sinh, thậm chí một số nơi đã chuyển tài liệu chính thức cho các trường để xúc tiến việc này.

Hội đồng quốc gia giáo dục cuối tháng 4 đã phát đi thông cáo nêu rõ: Hy vọng từ thành công của thượng đỉnh liên Triều sẽ thúc đẩy giáo dục về thống nhất hoà bình, giải giáp hạt nhân và xây dựng hoà bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Thông cáo được phát đi ngay trước cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại bờ Nam của Bàn Môn Điếm – một dấu hiệu của tái lập liên Triều sau căng thẳng leo thang trên bán đảo này bởi các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng năm ngoái.

Hội đồng quốc gia GD nhấn mạnh trong thông cáo: “Hội nghị thượng đỉnh mang biểu tượng ý nghĩa ông Kim là lãnh đạo Bắc Triều Tiên đầu tiên vượt qua khu vực phi quân sự (DMZ) vào lãnh thổ Hàn Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên”.

Sở Giáo dục Seoul đề nghị các trường tiểu học, THCS và THPT tại thủ đô nắm lấy sự kiện này như một tư liệu giáo dục liên quan tới thống nhất. Các Sở Giáo dục khác cũng hướng dẫn các trường tự quyết định có để học sinh theo dõi sự kiện ý nghĩa hiếm có này hay không.

Bộ Giáo dục khuyến cáo mỗi trường thực hiện 8 giờ giáo dục liên quan tới thống nhất mỗi năm – dựa vào hướng dẫn của Bộ.

Thực tế Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 đã được phát sóng trực tiếp cho học sinh theo dõi tại một số lớn trường học trên toàn quốc.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Busan cho biết: “Tôi hy vọng học sinh sẽ coi hội nghị thượng đỉnh như một động lực suy nghĩ về tầm quan trọng của hoà bình và giá trị của bán đảo Triều Tiên thống nhất”.

Hướng GD thống nhất dựa trên trải nghiệm

Giữa những hành động thiện chí tăng lên từ phương Bắc, một số giới chức giáo dục đã đề nghị nối lại các chuyến tham quan thực địa tới núi Geumgang. Họ tin rằng một chuyến thăm tới một địa điểm ở Triều Tiên sẽ là cơ hội tốt học về thống nhất.

Là một phần trong nỗ lực hoà giải giữa 2 miền Triều Tiên, các chuyến tàu biển đi tới khu nghỉ mát tuyệt đẹp nằm trên bờ biển phía Đông Triều Tiên được bắt đầu thực hiện từ năm 1998 và chương trình du lịch này đã có giai đoạn bùng nổ, dẫn tới mở thêm tuyến đường bộ vào năm 2003.

Tuy nhiên hoạt động này bị đình lại năm 2008 khi một du khách bị một lính Triều Tiên bắn chết.

Ngoài ra, lệnh trừng phạt “24 tháng 5” cấm người Hàn Quốc đến đó. Trừng phạt kinh tế, được ban bố bởi chính quyền cựu Tổng thống Lee Myung-bak năm 2010 để trả đũa ngư lôi đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc, cũng cấm trao đổi và hợp tác kinh tế liên Triều.

Cuối năm ngoái, Sở Giáo dục Gwangju đã trình đề xuất tới Bộ Hợp nhất đề nghị Tổng thống Moon thảo luận vấn đề tour tham quan này với lãnh đạo Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh.

“Đơn giản là việc thăm các điểm du lịch hấp dẫn của Triều Tiên sẽ giúp học sinh học về thống nhất” – đề xuất viết.

Lim Hae-kyu, lãnh đạo Sở Giáo dục tỉnh Gyeonggi, cũng kêu gọi nối lại các chuyến đi tới núi Geumgang, thành lập một công viên hoà bình sinh thái tại Trường Tiểu học Daesungdong – ngôi trường duy nhất nằm trong DMZ; bên cạnh đó tăng cường trao đổi học sinh liên Triều.

“Giáo dục lí thuyết suông về hoà bình và hợp nhất không thể giúp học sinh Triều Tiên hiểu đầy đủ Triều Tiên” – Lim nói – “Hệ thống giáo dục hợp nhất nên chuyển đổi sang hình thức GD thông qua trải nghiệm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ