Không giao được nhà trúng đấu giá: Chẳng lẽ bó tay?

GD&TĐ - Báo chí liên tục phản ánh các trường hợp người dân mua nhà, đất thông qua đấu giá là tài sản thi hành án (THA) nhưng không nhận được nhà, đất dù đã trả đủ tiền và hoàn thiện các thủ tục có liên quan. Điều này gây bức xúc, bất bình trong xã hội, đặc biệt là người dân nghi ngờ về tính thượng tôn, nghiêm minh của pháp luật.

Ảnh minh họa, theo Dân Trí
Ảnh minh họa, theo Dân Trí

Theo số liệu của Tổng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp thì trong tháng 12/2016 cơ quan THA đã đưa bán đấu giá 11.084 việc. Trong đó, đấu giá thành 412 việc nhưng giao được tài sản chỉ 156 việc còn lại không giao được tài sản 256 việc.  

Qua đó, có thể thấy rằng việc đấu giá tài sản THA tỷ lệ thành công rất ít, trong đó, giao được tài sản chỉ chiếm 1,41% tổng số việc đưa ra đấu giá. Đặc biệt, việc chuyển giao tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất lại càng ít, thậm chí nhiều trường hợp cơ quan THA đã cưỡng chế giao xong nhà nhưng bị người phải THA ngang nhiên chiếm lại mà cơ quan chức năng đành bó tay!

Có thể nói, nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do có vi phạm trình tự, thủ tục kê biên, đấu giá hoặc người phải THA chống đối quyết liệt, cản trở không giao nhà hoặc việc tổ chức đấu giá không đảm bảo công khai, minh bạch ảnh hưởng đến quyền lợi của người phải THA…

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do việc thực hiện pháp luật chưa nghiêm. Nhiều trường hợp chấp hành viên, cơ quan THA và các cơ quan có liên quan thiếu kiên quyết, thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức THA ảnh hưởng đến quyền lợi của người trúng đấu giá, mua tài sản.

Theo Điều 165 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Người phải THA cố ý không chấp hành bản án, quyết định; không tự nguyện thi hành các quyết định về THA thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các quyết định về THA thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; nếu là cá nhân thì còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Tại Điều 304 BLHS 1999 đã quy định tội không chấp hành án như sau: “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Điều 380 BLHS 2015 quy định tội không chấp hành án còn quy định rõ ràng, cụ thể hơn: “Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tẩu tán tài sản” thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm”. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng.

Như vậy, có thể khẳng định rằng pháp luật đã có chế tài cụ thể đối với chấp hành viên, người thi hành công vụ có hành vi vi phạm pháp luật trong tổ chức THA hoặc người phải THA cố ý không chấp hành án. Vấn đề đặt ra ở đây việc thực thi các quy định pháp luật, chế tài này như thế nào mà thôi.

Theo chúng tôi, để xử lý dứt điểm, triệt để tình trạng người mua trúng đấu giá mà không được giao nhà, cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp sau đây:

Thứ nhất, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của đội ngũ chấp hành viên, cán bộ cơ quan THA trong quá trình tổ chức THA. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trình tự, thủ tục THA, đặc biệt là tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong tổ chức THA.

Thứ hai, xử lý kiên quyết, nghiêm khắc đối với hành vi chống đối, cản trở việc kê biên, đấu giá, nhất là hành vi không giao nhà hoặc chiếm lại nhà khi cơ quan THA đã cưỡng chế xong của những người phải THA. Theo đó, phải xử lý hình sự đối với hành vi không chấp hành bản án hoặc chiếm lại tài sản đã đấu giá thành.

Điều này đảm bảo sự nghiêm minh, tính thượng tôn của pháp luật, đặc biệt là bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người mua tài sản THA. Bên cạnh đó, cũng nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa đối với các hành vi chống đối, cản trở việc tổ chức THA của những người phải THA..

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ