Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Tiềm năng phát triển du lịch

GD&TĐ - Nói đến Tây Nguyên người ta thường nghĩ ngay đến nhà rông, nhà gươi… và loại hình nhạc cụ cồng chiêng, bởi đó là biểu tượng văn hóa đặc sắc của Tây nguyên. 

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Tiềm năng phát triển du lịch

Giờ đây ngày càng nhiều người đến vùng đất này du lịch để được thưởng thức, chiêm ngưỡng không gian cồng chiêng Tây Nguyên. Nhờ thế mà không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được phát huy giá trị đích thực của nó như UNESCO đã công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2005.

TS, Buôn Kr ông Tuyết Nhung - Trưởng Bộ môn Ngữ văn khoa Sư phạm, kiêm Phó giám đốc Trung tâm KHXH&NV Tây Nguyên, trường Đại học Tây Nguyên cho biết:

Tiềm năng phát triển du lịch bền vững

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng từ tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và sang tận Phú Yên, Khánh Hòa. Chủ nhân lâu đời của loại hình di sản ấy chính là tộc người Bahnar, M’nông, Sdăng, K’hó, Rơmăm, Giẻ Triêng, Mạ, Jrai, Êđê, Churu, Raglai…

Đặc điểm địa lý và lịch sử phát triển tộc người của vùng đất huyền thoại thuộc Đông Dương này đã sản sinh ra sự đa dạng các loại hình di sản, tiêu biểu như lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, đến dân ca dân vũ, văn học dân gian, luật tục…

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tạo ra không chỉ nhạc cụ cồng chiêng, các bản nhạc diễn tấu cồng chiêng mà còn bởi mối quan hệ giữa nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng với tín ngưỡng, phong tục, nghi lễ - lễ hội… của đồng bào các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.

Đặc biệt sự tồn tại và phát triển của di sản cồng chiêng luôn gắn với môi trường xã hội và môi trường sinh thái ở Tây Nguyên. Có thể nói, sự trao truyền văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không thể tách rời với sinh hoạt văn hóa tộc người và môi trường tự nhiên.

Không gian văn hóa cồng chiêng được hiện hữu trong ngôi nhà rông, bên cạnh nhà gươl, bên bếp lửa nhà dài trong gian khách, lan tỏa trong khu mộ địa huyền bí, khu bến nước, rừng đầu nguồn, trên nương rẫy sau “mùa ning nong”, “mùa ăn năm uống tháng”... ở vùng đất đầy nắng gió này.

Đó chính là không gian môi trường tự nhiên tạo nên một thể thống nhất không thể tách rời trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trở thành tiềm năng để phát triển du lịch.

Một điều thú vị và đặc biệt nữa là khi du khách đến Tây Nguyên chắc chắn sẽ không thế nào quên các lễ hội truyền thống. Đây là một loại hình hoạt động có nguồn gốc sâu xa trong văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam. Trong hơn thập niên gần đây, loại hinh văn hóa này trở thành một hoạt động cuốn hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Hệ thống lễ hội dân gian Tây Nguyên được tổ chức thường kỳ, thường niên gắn với các sự kiện vòng đời người, lễ hội nông nghiệp và hệ thống lễ hội liên quan đến các sự kiện của cộng đông. Qua lễ hội truyền thống có thể bắt gặp các loại hình văn hóa tiêu biểu như dân ca, dân vũ, văn học dân gian, ẩm thực, trang phục, những nguyên tắc giao tiếp ứng xử theo quy định của luật tục, đồng thời thể hiện tín ngưỡng “sơ khai là tín ngưỡng vạn vật hữu linh”.

Điều đó thể hiện khá rõ trong lễ hội truyền thống như: Lễ cúng sức khỏe, kết nghĩa, lễ hội bỏ mả, lễ hội ăn lúa mới, lễ hội cúng bến nước, lễ hội cầu mưa, lễ hội cúng đất làng, lễ hội cúng nhà rông đến lễ hội cưới cho voi, lễ hội đua voi, lễ hội đua thuyền độc mộc… Có thể thấy lễ hội dân gian ở Tây Nguyên là hoạt động văn hóa gắn với đời sống tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng được dân gian thiêng hóa, là sinh hoạt văn hóa mang tính hệ thống mang tính phức hợp, môt hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể và tồn tại trong một môi trường trao truyền giữa các thế hệ từ đời này sang đời khác.

Có thể khẳng định, lễ hội là môi trường cộng cảm, sáng tạo, bảo lưu, phát triển các loại hình văn hóa dân gian. Khi tham gia lễ hội dân gian, các du khách sẽ thật sự bị thu hút bởi khi chứng kiến những câu chuyện rất đời thường từ chính những con người ở “xứ thượng” này.

Sự cuốn hút ấy từ những câu chuyện thường ngày trong giao tiếp, trong ứng xử. Những câu chuyện huyền thoại về lòng dũng cảm, thiện chiến của thế hệ cha ông khi trên đỉnh núi Ngọc Linh huyền thoại, núi Lang Biang hùng vỹ cho đến những câu chuyện rất đời thường của hôm nay. Cũng có thể một câu chuyện về tục ngủ thăm, ngủ thử của đôi trai gái nào đó, hay một hiện tượng văn hóa trong nguyên tắc uống rượu cần, tiếp khách, kết tình anh em… với các du khách từ phương xa đến.

Cấu trúc làng Tây Nguyên – tiềm năng phát triển du lịch Homestay

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt khách du lịch khi lên Tây Nguyên đó chính là những buôn làng nằm thấp thoáng trong ngút ngàn rừng núi. Dừng chân xuống thăm các buôn làng, các tộc người bản địa, chúng ta dễ dàng bắt gặp những không gian xã hội đầu tiên của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đó là những ngôi nhà rông, nhà gươi.

Làng không chỉ xác định về phạm vi, ranh giới mà còn là không gian tâm linh, không gian văn hóa, không gian đặc quyền về kinh tế trong mỗi tương tác hài hòa, dân chủ. Vì thế với cấu trúc làng Tây Nguyên rất dễ phát triển du lịch Homestay.

Những ngôi làng ở Tây Nguyên thường được cộng cư, liên kết các gia đình cùng huyết thống và các dòng họ khác nhau, được xây dựng trên những địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi về nguồn nước, giao thông, an sinh xã hội.

Nội lực của làng được xác định qua ngôi nhà rông đối với dân tộc Bắc Tây Nguyên hay ngôi nhà dài của khua buôn Kranh bon, hay khua plei (trưởng làng) đối với cộng đồng Ê đê, Jrai, K’ho… Khi quan sát kỹ sự sắp xếp khá hài hòa, đẹp mắt của các ngôi nhà, chúng ta có thể nhận diện được trật tự, sự nhất quán trong cấu trúc tổ chức xã hội dân sự trước đây ở Tây Nguyên.

Hiện nay, mặc dù bị tác động của nhiều yếu tố khách quan bên cạnh những ngôi làng theo mô hình truyền thống của các dân tộc bản địa vẫn còn tồn tại ở Tây Nguyên. Làng không chỉ phục vụ cho nhu cầu cư trú mà còn chứa đựng trong nó hệ thống kinh nghiệm, nhận thức, quan niệm, tâm linh, và văn hóa.

Đến với Tây Nguyên, những ngôi làng của dân tộc bản địa sẽ là điểm dừng chân của du khách tìm hiểu trải nghiệm, làm giàu thêm sự hiểu biết văn hóa của người Jrai, người Êđê. Người Mông hay người S’đăng… và tham gia chăn nuôi, lên rẫy thu hái nông sản, vào vườn hái rau hay ở nhà dệt thổ cẩm, tìm hiểu những thói quen, phong tục hay nội trợ, đêm xuống cùng người dân uống rượu cần, say mê với âm thanh mời gọi của cồng chiêng trong lễ kết nghĩa, đeo vòng, chúc sức khỏe trong ngôi nhà rông hay nhà sàn mẫu hệ.

Du khách có thể tham gia múa sạp bên ánh lửa bập bùng, thưởng thức các món ăn truyền thống như cơm lam, rượu cần, thịt gác bếp, gà nướng nguyên thủy, cá suối, rau rừng… cũng như với con người chân thành, nhiệt tình, thân thiện ở Tây Nguyên.

Có thể thấy, làng của cộng đồng bản địa là không gian chứa đựng tương đối đầy đủ các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của không gian văn hóa cồng chiêng. Đó là yếu tố đầu tiên phát triển mô hình du lịch homestay, du lịch cộng đồng ở Tây Nguyên. Loại hình du lịch này đã được phát triển ở Việt Nam nhưng chưa được triển khai rộng rãi ở Tây Nguyên (trừ điểm du lịch Đà Lạt). Tuy vây, du lịch homestay ở Tây Nguyên chắc chắn hứa hẹn trở thành một xu hướng phát triển mạnh trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.