Không gian trải nghiệm mới tại Lễ hội Ánh sáng

GD&TĐ - Lễ hội Ánh sáng tại Thái Bình Lâu, vườn Thiệu Phương (Đại Nội Huế) trong không gian ánh sáng ảo diệu đưa du khách vào cuộc hành trình kỳ thú.

Sắp đặt ánh sáng kỳ ảo trong Lễ hội Ánh sáng tại Thái Bình Lâu và vườn Thiệu Phương (Đại Nội Huế). (Ảnh: BTC)
Sắp đặt ánh sáng kỳ ảo trong Lễ hội Ánh sáng tại Thái Bình Lâu và vườn Thiệu Phương (Đại Nội Huế). (Ảnh: BTC)

Sáng tạo không gian nghệ thuật số kỳ ảo trong lòng Đại Nội

Chương trình Lễ hội Ánh sáng được tổ chức tại Thái Bình Lâu và vườn Thiệu Phương, Đại Nội Huế trong khuôn khố Festival Huế 2024 thu hút đông đảo người dân Cố đô và du khách.

Tiếp nối thành công của Huế by light – The liveshow, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đem đến chương trình Lễ hội ánh sáng, một hành trình khám phá ảo diệu và đầy chất thơ trong lòng Đại Nội Huế.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Phó Ban Thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2024 cho biết, chương trình Lễ hội Ánh sáng được xem là một hành trình tuyệt đẹp.

Khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng Thái Bình Lâu cùng khuôn viên xung quanh thông qua trải nghiệm không gian nghệ thuật số kỳ ảo, đầy tính tương tác với 12 tác phẩm sắp đặt âm thanh và ánh sáng.

2.jpg
Tham tán Hợp tác và hoạt động văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, kiêm nhiệm Giám đốc Viện Pháp tại Huế - bà Sophie Maysonnave phát biểu khai mạc Lễ hội Ánh sáng.

Bà Sophie Maysonnave, Giám đốc Viện Pháp tại Huế cho biết, Lễ hội Ánh sáng diễn ra trong khuôn khổ Festival Huế 2024 là kết quả của hoạt động hợp tác giữa ê-kíp Pháp và Việt Nam, là thành quả của hơn 1 năm sáng tạo, tìm kiếm giải pháp kỹ thuật và sản xuất.

Ê-kíp Pháp đảm nhận công tác chỉ đạo nghệ thuật của sự kiện, còn nội dung và giải pháp kỹ thuật sẽ được xây dựng cùng với đối tác Việt Nam trên tinh thần tham gia và chia sẻ kiến thức chuyên môn.

Để thực hiện toàn bộ các tác phẩm sắp đặt này, êkíp sáng tạo đã phải xây dựng một hệ thống điều khiển tập trung, được thiết kế riêng gồm 9 máy chủ dữ liệu, 22 thiệp điện tử, nhiều km dây cáp và hơn 4.500 nguồn sáng mang đến sinh lực cho các tòa nhà, khu vườn, cây cối, các hòn non bộ và cả khu vực hồ nước.

3.jpg
Những không gian kỳ ảo hớp hồn du khách.

Các công nghệ sử dụng được đa dạng hóa tùy thuộc vào từng sắp đặt cụ thể, để phục vụ tốt nhất cho trải nghiệm của khách tham quan: Hệ thống lưới điện thông minh thông qua các tấm quang năng, hệ thống đèn sân khấu truyền thống, hệ thống trình chiếu video (video mapping), hệ thống đèn LED điều khiển được (Artnet), cảm biến hồng ngoại, sợi quang học hoặc thậm chí cả máy tạo khói được điều khiển.

Đặc biệt, công nghệ được sử dụng để phục vụ trải nghiệm người xem và được thiết kế để du khách không thể nhận biết.

4.jpg
Loạt cây cảnh tuyệt đẹp phô ra những chiếc rễ nhân tạo như được thắp lửa, đang neo xuống lòng đất khi màn đêm dần buông.

Thế giới của mộng ảo và trí tưởng tượng

Dự án Lễ hội Ánh sáng được lên ý tưởng vào cuối năm 2022, với mong muốn mang đến cho khách tham quan một hành trình khám phá ảo diệu và đầy chất thơ trong lòng Đại Nội Huế thông qua việc kết hợp các công nghệ và kỹ thuật sáng tạo khác nhau.

"Tất cả các tác phẩm sắp đặt đều được sáng tạo nhằm mang đến cho người xem trải nghiệm được đắm chìm trong một vũ trụ kỳ ảo trong suốt chặng đường khám phá âm thanh và ánh sáng này.

5.jpg
Một thế giới mộng ảo và trí tưởng tượng chuyển tải nhiều cảm xúc cho người xem.

Từ những chiếc đèn lồng Huế truyền thống được thắp sáng đồng bộ đến loạt cây cảnh tuyệt đẹp phô ra những chiếc rễ nhân tạo như được thắp lửa, đang neo xuống lòng đất khi màn đêm dần buông. Trên mặt hồ, bông sen khổng lồ tỏa sáng với muôn vàn sắc màu…

Chuyến du hành giữa lòng Đại Nội này tựa như lời mời gọi đưa du khách đến với thế giới của mộng ảo và trí tưởng tượng", đại diện Ban Tổ chức chia sẻ.

6.jpg
Không gian Thái Bình Lâu hiện lên tuyệt đẹp.

Lễ hội ánh sáng thắp sáng Thái Bình Lâu và Vườn Thiệu Phương với các tác phẩm thị giác và âm thanh được sáng tạo riêng cho Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ở Việt Nam, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt là tại Cố đô Huế.

7.jpg
Những bông sen khổng lồ tỏa sáng với muôn vàn sắc màu trên hồ nước ở vườn thượng uyển Thiệu Phương, Đại Nội Huế. (Ảnh: BTC)

Một trong những ưu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế là thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch địa phương thông qua việc quảng bá di sản kiến trúc. Lễ hội Ánh sáng diễn ra trong khuôn khổ của Festival Huế 2024 cũng nhằm tăng kỹ năng của đội ngũ địa phương thông qua việc trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng và bí quyết chuyên môn của Pháp, đã được công nhận và đánh giá cao trên toàn thế giới.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua 24 năm tổ chức, Festival Huế đã đạt được những thành tựu nổi bật. Festival Huế 2024 tiếp tục là hoạt động văn hoá đặc sắc, hấp dẫn bởi tính truyền thống, ấn tượng và nhân văn.

Festival Huế 2024 theo định hướng bốn mùa sẽ tiếp tục khai thác các chuỗi lễ hội trải dài trong năm, từng bước xây dựng hệ thống chương trình lễ hội mới, gồm: Lễ hội mùa Xuân – ‘Xuân Cố đô” (diễn ra từ tháng 1-3); Lễ hội mùa Hạ - “Kinh thành tỏa sáng” (diễn ra từ tháng 4-6); Lễ hội mùa Thu – “Huế vào Thu” (diễn ra từ tháng 7-9); Lễ hội mùa Đông – “Mùa Đông xứ Huế” (diễn ra từ tháng 10-12).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.