Trong lúc phương Tây đang gia tăng trừng phạt khi Moscow được dự báo chuẩn bị đợt tấn công lớn chưa từng có vào Ukraine, thì các doanh nghiệp quốc tế lại rục rịch quay trở lại thị trường này vì sự hấp dẫn khó chối từ.
Theo kết quả khảo sát do ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse vừa công bố ngày 7/2, có khoảng 6% các công ty lớn của nước này từng rời Nga khi phương Tây bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt hồi đầu năm 2022 đang có kế hoạch quay trở lại trong 3 năm tới.
Cuộc khảo sát của Credit Suisse có sự tham gia của 650 công ty Thụy Sỹ, bao gồm 600 doanh nghiệp vừa và nhỏ và 50 công ty lớn. Kết quả báo cáo dựa trên phản hồi từ các giám đốc điều hành công ty có kinh doanh với nước ngoài.
Trong năm 2022, khoảng 4% doanh nghiệp siêu nhỏ, 3% doanh nghiệp nhỏ và 8% doanh nghiệp vừa (SME) và gần 1/4 công ty lớn của Thụy Sỹ đã ngừng quan hệ kinh doanh với Nga.
Việc các công ty nếu tiếp tục hoạt động tại Nga sẽ không chỉ bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt, mà còn chịu áp lực bởi thuế hải quan và các hàng rào phi thuế quan khác như quy định mua sắm của chính phủ và thủ tục phê duyệt.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Nga đứng đầu trong danh sách các quốc gia mà các công ty Thụy Sỹ rút khỏi trong 3 năm qua. Mặc dù vậy, một số công ty lớn lại đang lên kế hoạch bắt đầu hoặc tiếp tục hoạt động kinh doanh ở Nga. Nhưng việc các kế hoạch này có thực sự thực hiện được hay không và khi nào sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của cuộc xung đột tại Ukraine.
Trước đó, ngay sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, phương Tây đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt đối với Moscow, trong đó bao gồm yêu cầu các công ty toàn cầu dừng hoạt động kinh doanh tại Nga.
Điều này đã tạo ra làn sóng các doanh nghiệp quốc tế rời bỏ Nga khi nhiều công ty đa quốc gia đã cam kết sẽ rời Nga theo lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Đại học St. Gallen (Thụy Sỹ) công bố hồi tháng 1/2023 vừa qua cho thấy, trên thực tế lại không có nhiều công ty đa quốc gia của EU và nhóm G7 thực sự thực hiện cam kết rời Nga của mình.
Nghiên cứu này được tổng hợp dữ liệu từ 2.405 công ty con thuộc sở hữu của 1.404 công ty EU và G7 đang hoạt động ở Nga vào thời điểm xảy ra chiến sự tháng 2/2022.
Theo đó, tới cuối năm 2022, chỉ có khoảng 18% các công ty Mỹ hoạt động tại Nga xác nhận thoái vốn hoàn toàn, trong khi con số đó rơi vào mức 15% đối với các doanh nghiệp Nhật Bản và 8,3% đối với các doanh nghiệp EU.
Trong số các công ty EU và G7 vẫn còn lại ở Nga, nghiên cứu cho thấy 19,5% là thuộc về Đức, 12,4% là của Mỹ và 7% là các công ty đa quốc gia Nhật Bản.
Mặt khác, báo cáo từ tổ chức tư vấn Moral Ratings Agency của Anh cho biết, một số công ty lớn đã công bố kế hoạch rời thị trường Nga bằng cách xóa sổ tài sản thay vì bán chúng đi.
Thực tế điều này không đồng nghĩa với việc các công ty thực sự rời khỏi thị trường Nga, vì việc xóa sổ tài sản có nghĩa là một công ty đặt giá trị thấp hơn hoặc bằng 0 cho một tài sản tại thời điểm đó. Trong khi đây chỉ là một giá trị trên giấy tờ và có thể được sửa đổi bất cứ lúc nào theo ý muốn của chủ sở hữu.
Những phản ứng như trên của các doanh nghiệp đa quốc gia phản ánh rằng thị trường Nga thực sự quan trọng đối với hoạt động của họ. Việc rời khỏi “miếng bánh” này do đó không hề dễ dàng, dù các công ty đang phải chịu sức ép lớn từ các chính phủ phương Tây.