Không để trò 'quên' đến lớp

GD&TĐ - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình trạng “quên” đến lớp vẫn xảy ra với nhiều học sinh vùng núi, dân tộc, khó khăn Quảng Trị.

Giáo viên các trường học phối hợp Bộ đội Biên phòng vận động học sinh đến trường. Ảnh: Thanh Nga
Giáo viên các trường học phối hợp Bộ đội Biên phòng vận động học sinh đến trường. Ảnh: Thanh Nga

Nắm rõ thực trạng này nên các trường học đã triển khai nhiều giải pháp duy trì sĩ số, ổn định dạy học theo kế hoạch.

Phát huy văn hóa đọc

Trường Tiểu học và THCS A Xing (Hướng Hóa) thuộc địa bàn miền núi, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Năm học 2023 - 2024, trường có hơn 600 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào Pa Kô. Hai năm qua, nhà trường thường tổ chức các hoạt động tặng sách truyện đầu năm; cùng đó phối hợp với chính quyền địa phương tích cực vận động nên sĩ số học sinh cơ bản ổn định.

Thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Xing cho biết, thầy cô nhà trường đã đến thăm, động viên học sinh. Mặt khác, phát động tặng sách, truyện cho các em. Đối tượng nhận sách là học sinh khó khăn, ít có điều kiện đọc sách; hoặc học sinh có niềm đam mê đọc sách.

Theo thầy Trọng, dịp Tết năm trước, hơn 150 đầu sách, truyện được giáo viên mang đến nhà, trao tặng tận tay học sinh. Đây là hoạt động phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học tốt, tạo động lực và tinh thần học tập cho các em sau dịp nghỉ Tết.

Thầy Trọng cho biết thêm, phong trào tặng sách nhằm tăng cường hiệu quả việc đọc sách trong cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo; tạo ra nguồn sách, báo, tư liệu phong phú giúp học sinh vùng miền núi có cơ hội tiếp cận thông tin tri thức, tạo môi trường giúp thư viện trường học, đặc biệt là các em học sinh xa thư viện có thêm nhiều nguồn tư liệu phong phú.

“Việc tổ chức tặng sách, truyện dễ triển khai và đạt hiệu quả cao, hướng tới nhiều mục đích. Cụ thể, giúp học sinh hiểu ý nghĩa phong tục tốt đẹp ngày Tết dân tộc, khuyến khích các em say mê đọc sách, nâng cao kiến thức và thu hút học sinh đến trường đông đủ. Thời gian đầu cách triển khai chưa hợp lý nên tỷ lệ đạt được không cao, tuy vậy 2 năm nay, rút kinh nghiệm và có cách làm phù hợp nên sĩ số học sinh ra lớp đã đảm bảo”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Xing chia sẻ.

Giáo viên Trường Tiểu học và THCS A Xing đến nhà tặng sách cho học sinh.

Giáo viên Trường Tiểu học và THCS A Xing đến nhà tặng sách cho học sinh.

Vào bản đón trò

Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của nhà trường với địa phương cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của thầy, cô giáo nên tình trạng học sinh nghỉ học sau Tết giảm đã được tháo gỡ đáng kể. Tại nhiều trường học, ngay buổi đầu trở lại trường, hoạt động giáo dục diễn ra đúng kế hoạch, không còn trường hợp học sinh nghỉ, bỏ học.

Thầy Nguyễn Hữu Quảng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng (Hướng Hóa) cho hay, để duy trì sĩ số, ổn định dạy học sau Tết, nhà trường sớm phân công giáo viên chủ nhiệm các lớp thường xuyên theo dõi, nắm bắt hoàn cảnh từng học sinh. Phát hiện em nào có nguy cơ vắng, nghỉ học sẽ đến nhà thăm hỏi, trò chuyện với phụ huynh và vận động trò đi học.

Đối với trường hợp nghỉ học vì lý do nào đó, nhà trường tiếp tục phối hợp với UBND xã gặp gỡ phụ huynh và học sinh để tuyên truyền, không để các em nghỉ học. Nhờ tích cực triển khai các giải pháp duy trì sĩ số nên tình trạng học sinh nghỉ học các dịp lễ Tết rất ít. Mặt khác, hầu hết địa bàn xa trung tâm đều có điểm trường nên hoạt động dạy học thuận lợi, đảm bảo; học sinh không còn tâm lý vì ngại trường lớp xa nhà mà nghỉ học.

“Còn một số học sinh là con em gia đình miền xuôi lên sinh sống, lập nghiệp. Do đó, sau Tết thường xảy ra tình trạng gia đình trở lại địa phương muộn vài ngày kéo theo học sinh lỡ buổi học. Rút kinh nghiệm từ thực tế này, nhà trường đã quyết liệt quán triệt, căn dặn phụ huynh nắm bắt lịch học của con để trở lại đúng thời gian học tập, tránh bị hụt, hổng kiến thức”, thầy Quảng nói.

Trường Tiểu học và THCS Hướng Linh (Hướng Hóa) có 2 cấp học, nhiều em ở địa bàn cách xa trung tâm. Theo thầy Hiệu trưởng Lê Minh Quốc, sau Tết nhà trường thường tổ chức gặp mặt cán bộ, giáo viên và triển khai dạy học đúng thời gian quy định. Không khí trường lớp, thi đua dạy học nghiêm túc ngay từ những ngày đầu năm mới. Đối với học sinh nhà ở xa, điều kiện gia đình khó khăn, giáo viên sẽ đến tận nhà huy động, đưa các em đến lớp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho biết, ngành Giáo dục đã triển khai đồng loạt giải pháp để duy trì số lượng, hạn chế tình trạng học sinh vắng học sau Tết Nguyên đán. Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường tích cực tham mưu với chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương phân công cán bộ, đảng viên phụ trách các thôn, bản. Hiệu trưởng các trường thường xuyên báo cáo với Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn về việc học sinh vắng học cũng như tích cực tuyên truyền nhắc nhở phụ huynh động viên con em đến trường.

Bên cạnh đó, phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác huy động, duy trì số lượng học sinh, bám lớp, bám dân, bám học sinh sau Tết. Tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời gia đình học sinh hoàn cảnh khó khăn…

Đặc biệt, để duy trì tỷ lệ chuyên cần trước và sau kỳ nghỉ Tết, Sở GD&ĐT Quảng Trị ban hành công văn gửi các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc yêu cầu trường học tăng cường giải pháp huy động học sinh đến trường; Rà soát nhóm dễ bỏ học, phân loại để có biện pháp phù hợp. Đối với học sinh nghèo, khó khăn huy động các nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời trong dịp Tết, không để học sinh nào bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.

Trường hợp học sinh cá biệt, nhà trường phân công giáo viên chủ nhiệm liên hệ trực tiếp với gia đình, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng chức năng địa phương trong dịp Tết để quản lý, giáo dục. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương… đẩy mạnh tuyên truyền, quản lý, giáo dục, tổ chức cho học sinh vui xuân lành mạnh, gắn với hướng dẫn các em dành thời gian thích hợp để tự học trong khoảng thời gian nghỉ Tết…

Sở GD&ĐT Quảng Trị yêu cầu, sau thời gian nghỉ Tết, trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng cơ sở giáo dục phải trực tiếp chỉ đạo việc rà soát sĩ số học sinh. Nếu có học sinh bỏ học phải kịp thời tìm hiểu nguyên nhân, tổ chức vận động, giúp đỡ để các em tiếp tục đến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.