Không để một cơn mưa ‘cướp’ đi tương lai của trò nghèo được!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - “Phải cho cháu đi thi chứ, để tôi đến đón cháu!”. Dứt lời, thầy giáo Bùi Duy Hưng tức tốc mặc áo mưa, luồn rừng lên bản đón trò để kịp giờ thi.

Thầy giáo trường PTDTNT huyện Tủa Chùa điểm danh sĩ số trước giờ thi.
Thầy giáo trường PTDTNT huyện Tủa Chùa điểm danh sĩ số trước giờ thi.

Dù thế nào cũng phải đón bằng được

Thầy, cô giáo không chỉ là người chăm lo, truyền đạt kiến thức cho các em học sinh mà còn là người đồng hành cùng các em trong suốt quá trình diễn ra kì thi tốt nghiệp THPT.

Tại điểm thi trường THCS-THPT Quyết Tiến, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) lần đầu tổ chức kì thi THPT nhưng các thầy cô giáo đều đồng lòng, quyết tâm không để học sinh nào bỏ thi.

Thầy Bùi Văn Hưng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C, trường THCS-THPT Quyết Tiến cho biết: Toàn trường có 88 học sinh tham gia kì thi năm nay nhưng chỉ có 83 học sinh ở nội trú tại trường. Còn lại 5 em do điều kiện hoàn cảnh khác nhau nên về nhà.

“Trong kì thi này, tôi được nhà trường phân công công việc đảm bảo sĩ số học sinh. Ngày thi đầu tiên hôm qua, sau khi điểm danh đầy đủ sĩ số học sinh tại phòng nội trú, tôi liên hệ những học sinh ở ngoài trường để nhắc nhở các em đến điểm thi đúng giờ. Khi gọi điện đến nhà em Giàng Thị Cơ Ni thì được gia đình thông báo là do trời mưa to, quãng đường đang thi công trơn trượt khó đi nên gia đình sẽ cho em nghỉ thi”, thầy Hưng kể.

Sau khi nghe thông tin, thầy Hưng sốt sắng, không quản ngại trời mưa đến tận nhà đón Cơ Ni đi thi cho kịp giờ.

“Nghĩ đến tương lai của học trò, đến 12 năm đèn sách của các em mà tương lai khép lại chỉ vì một cơn mưa thì không đáng. Mưa cũng chẳng thể làm cho thầy trò tôi chùn bước. Tôi không đành lòng. Đoạn đường hơn 10km đến nhà Cơ Ni lúc đó với tôi dường như gần lắm”, thầy Hưng xúc động.

Chia sẻ về hoàn cảnh của Cơ Ni, thầy Hưng cho biết: “Nhà em ấy ở bản Tủa Thàng, xã Tủa Thàng, nhưng cuối học kỳ 2 vừa rồi em lấy chồng ở bản Kép, xã Mường Đun cách trường gần 10 km nên chuyển về nhà chồng ở. Lo lắng cho em, sợ em không thi đỗ tốt nghiệp nên tôi cùng các thầy cô đã khuyên bảo, kèm cặp phụ đạo thêm cho em rất nhiều”.

Sau buổi thi hôm qua, thầy cô đã sắp xếp để Cơ Ni ở luôn tại trường để thuận tiện cho buổi thi cuối hôm nay.

Thầy giáo Trần Minh Thuyết trường PTDTNT huyện Tủa Chùa luôn túc trực sẵn sàng hỗ trợ học sinh.
Thầy giáo Trần Minh Thuyết trường PTDTNT huyện Tủa Chùa luôn túc trực sẵn sàng hỗ trợ học sinh.

“Người mẹ” thứ hai

Còn cô Trần Thị Thuý, giáo viên môn Tin học trường PTDTNT huyện Tủa Chùa cho biết: Thầy cô ở đây như những cha mẹ thứ hai của học trò. Các em nhà xa và ở nội trú lại trường. "Với vai trò như người mẹ, tôi cùng thầy cô đưa đón, hỗ trợ các em đi thi. Động viên tinh thần, khích lệ học sinh để các em có được kết quả tốt nhất”.

Đứng ngoài cổng trường thi, cô Thuý cũng bày tỏ cảm giác hồi hộp bởi với cô, học sinh cũng như con em trong gia đình mình vậy. "Các em cũng như đứa con mình đi thi. Trong lòng ai cũng mong các con có sức khỏe, tâm lý tốt nhất để làm bài thi tốt", cô Thuý nói.

Không chỉ các phụ huynh mà nhà trường, giáo viên đều muốn theo sát hết sức có thể để học sinh thuận lợi hoàn thành kỳ thi. Nhằm hỗ trợ kịp thời trước giờ thi, các thầy cô luôn túc trực, sẵn sàng tiếp sức trong mọi tình huống khẩn cấp.

Nhận được sự giúp đỡ của thầy cô, em Giàng Thị Lan lớp 12C2 trường PTDTNT huyện Tủa Chùa bộc bạch: “Mặc dù nhà xa, không được bố mẹ đưa đi thi như một số bạn nhưng được các thầy cô quan tâm, động viên chăm sóc tận tình em cảm thấy rất ấm áp. Em tự hứa sẽ cố gắng hoàn thành tốt các môn thi để xứng đáng với tấm lòng của thầy cô”.

Chị Điêu Thị Luyên ở bản Phai Tông, xã Mường Báng có con học trường PTDTNT xúc động nói: “Gác lại hết công việc đồng áng, cố gắng 2 ngày con thi tôi túc trực để hỗ trợ, động viên con. Đến trường, thấy không phải phụ huynh nào cũng có thể sắp xếp công việc để trực tiếp đưa con đi thi. Nhưng các thầy cô ở đây như những người cha, người mẹ thứ hai của các cháu, hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc, đưa đón các cháu tận tình. Nhiều giáo viên đứng đợi học sinh thi mà còn thấy lo lắng, hồi hộp hơn cả cha mẹ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.