Không để đối tượng hành hung Nhà báo được hưởng án treo

Đó là chia sẻ của luật sư Anh Thơm về việc 3 đối tượng hành hung Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: “Chúng ta phải cương quyết không cho hưởng án treo đối với những loại tội phạm xâm hại đến quyền hành nghề hợp pháp của các Nhà báo chân chính”.

Không để đối tượng hành hung Nhà báo được hưởng án treo

Liên quan đến việc, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – Báo Lao Động, bị 3 đối tượng hành hung gây thương tích khá nặng, xảy ra vào khoảng 7h45’ ngày 23/3 tại khu vực chung cư Kim Lũ, phía sau Đại học Thăng Long, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội đang khiến dư luận đang xôn xao, PV Infonet có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm trao đổi với PV Infonet.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm trao đổi với PV Infonet.

Luật sư Anh Thơm cho biết: “Việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị các đối tượng hành hung dã man ngày 23/3/2016 là một thách thức coi thường pháp luật của những đối tượng gây án và cũng cho thấy sự nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo chân chính. Hành vi phạm tội của các đối tượng hành hung nhà báo Đỗ Doãn Hoàng là rất côn đồ, hung hãn. Bọn chúng đã tổ chức, lập kế hoạch và có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi ra tay hành động chặn đánh nhà báo trên đường đất nối từ ngõ 292 Kim Giang ra đường Nguyễn Xiển”.

Xung quanh hiện trường là một số công trình xây dựng. Các nhà dân và khu chung cư nằm cách xa hàng trăm mét. Các đối tượng đã lên kế hoạch phục đánh nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tại địa điểm ít người qua lại. Có ba đối tượng đã dùng gậy, tay và chân đánh liên tiếp. Thậm chí, các đối tượng còn dùng chân đạp vào đầu. Do vẫn đội mũ bảo hiểm nên phần đầu không bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên, ngón tay trỏ của bàn tay phải đã bị đánh nát, nhiều vết trên người bị sưng to, trầy xước, bầm tím…”.

Ngón tay Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị dập, bong móng tay.
Ngón tay Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị dập, bong móng tay.

“Hành vi phạm tội của các đối tượng đã có dấu hiệu phạm Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 104 Bộ luật hình sự. Để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này trong trường hợp tỷ lệ thương tích phải từ 11% trở lên hoặc trường hợp tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 104.

Như vậy, việc xác định tỷ lệ thương tật của nhà báo Hoàng là rất quan trọng để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự và xác định hình phạt đối với các đối tượng phạm tội. Nhà báo Hoàng đã bị đánh dập nát ngón tay nên có thể thuộc trường hợp “gây cố tật nhẹ” theo điểm b khoản 1 Điều 104.

Trong vụ việc này, nếu kết quả giám định của cơ quan chuyên môn xác đinh tỷ lệ thương tật của Nhà báo Nguyễn Doãn Hoàng dưới 11% thì các đối tượng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 BLHS với tình tiết “có tính chất cô đồ”. Việc các đối tượng hành hung dã man nhà báo thì chúng ta cũng không loại trừ khả năng chúng đã được thuê đánh trả thù Nhà báo.

Nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh thì các đối tượng này có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm h, Khoản 1, Điều 104 BLHS: “Thuê người gây thương tích hoặc gây thương tích thuê” nếu tỷ lệ thương tật là dưới 11%, trong trường hợp tỷ lệ thương tật trên 11% thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 104 BLHS”, luật sư Anh Thơm phân tích.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng dùng tay giữ mũ bảo hiểm nên bị đập dập xương ngón tay.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng dùng tay giữ mũ bảo hiểm nên bị đập dập xương ngón tay.

Theo luật sư Anh Thơm, Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung ngay trên địa bàn Thủ đô, khi mà nhân dân đang có nhiều ý kiến đóng góp về cơ chế bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp tránh bị xâm hại đến uy tín, danh dự, tính mạng, sức khỏe thì đây là một sự thách thức vô cùng lớn với pháp luật và toàn bộ xã hội nói chung. Sự việc xảy ra như đòn đánh mạnh vào uy tín, danh dự của nghề làm báo, một nghề luôn phản ánh sự thật của đời sống, lên án những hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức, là những người góp phần mang lại công bằng cho xã hội

Thực tế đã có nhiều vụ việc nhà báo bị hành hung gây thương tích trên địa bàn cả nước thời gian qua nhưng mức độ xử lý còn chưa nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, trong việc xử lý các đối tượng đôi khi còn chưa tương xúng với hành vi, qua đó thiếu sự răn đe đối với các đối tượng cản trở hoạt động của nhà báo qua việc hành hung gây thương tích xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của nhà báo.

“Để có thể ngăn chặn các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín của Nhà báo khi tác nghiệp thì trước tiên các Nhà báo phải cảnh giác bảo vệ bản thân khi tham gia tác nghiệp vào các lĩnh vực nóng, phức tạp, nhạy cảm của đời sống xã hội.

Nếu quá trình hành nghề phát hiện ra những dấu hiệu, nguy cơ mất an toàn của bản thân như bị đe dọa thì có thể thông báo với Cơ quan chủ quản và Cơ quan Công an để có những biện pháp điều tra xử lý ngăn chặn… Trường hợp đối tượng nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhà báo, nếu có căn cứ xử lý về hình sự thì khi xét xử phải xử lý nghiêm minh.

Chúng ta phải cương quyết không cho hưởng án treo đối với những loại tội phạm xâm hại đến quyền hành nghề hợp pháp của các Nhà báo chân chính. Ngoài ra, chúng ta có thể đưa ra xét xử điểm một số vụ án điển hình để nhằm mục đích răn đe, trừng trị thích đáng những đối tượng cố tình vi phạm để cảnh báo chung cho những ai có ý định thực hiện hành vi trái pháp luật”, luật sư Anh Thơm chia sẻ.

Theo infonet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ