Không để “đói cơm lạt muối”

Không để “đói cơm lạt muối”

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cần phải được triển khai ngay vì đời sống người dân và người lao động đang rất khó khăn. Nhấn mạnh thêm vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Vì thế, cần phải làm nhanh các gói hỗ trợ, tránh tình trạng lòng vòng mãi mà không nhận được tiền.

Dù chưa có số liệu chính thức về thiệt hại - cả trực tiếp và gián tiếp đối với nền kinh tế cũng như đời sống của người dân do đại dịch Covid-19 nhưng nếu được thống kê, chắc chắn sẽ là không nhỏ và cần nhiều thời gian để phục hồi. Bằng chứng là hàng loạt hộ kinh doanh, buôn bán phải đóng cửa. Doanh nghiệp phải dừng hoặc cắt giảm sản xuất bởi thị trường bị thu hẹp, thiếu hoặc không có nguyên liệu sản xuất. Người lao động không hoặc ít có việc làm...

Theo Báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách ứng phó của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, dự báo GDP quý II năm nay ước chỉ tăng khoảng 2% so với quý II năm 2019, xuất khẩu giảm khoảng 25%, số doanh nghiệp phá sản tăng nhanh. Nếu dịch bệnh được khống chế, kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi từ quý III. Những dự báo nêu trên mới chỉ là dự liệu. Thực tế, rất nhiều khó khăn đã và đang xuất hiện. 

Như với các doanh nghiệp là những khó khăn trong việc tiếp cận vốn; thực thi các chính sách hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất. Với người dân, người lao động là giảm thu nhập, mất việc làm... dẫn đến đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, việc bảo đảm an sinh xã hội, cuộc sống tối thiểu, tái sản xuất sức lao động cho người dân có ý nghĩa quan trọng. 

Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, không để “đói cơm lạt muối” cũng như dưỡng sức cho người lao động để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước - khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cũng bởi vậy, việc nhanh chóng xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết và cấp bách, không còn gì phải so đo, lấn cấn.

Dịch bệnh sẽ còn những diễn biến khó lường, nhưng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chúng ta đã thắng trong chiến dịch mở màn, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến và nhất định chúng ta phải chiến thắng cả cuộc chiến này. Để làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần thiết phải có sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.