Chất lượng giáo dục trong nhà trường phải được duy trì từ dạy học chính khóa
Thời điểm này, nhiều trường THCS, THPT tạm ngừng hoạt động dạy học tăng cường nhằm ôn tập cho học sinh lớp 9, lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Lý do là chờ hướng dẫn của địa phương trong thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2/2025.
Trước việc này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Chương trình các môn học đã quy định thời lượng dạy học cụ thể đối với từng khối lớp. Thời lượng đó đã bảo đảm thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục theo yêu cầu của chương trình, bao gồm cả thời gian ôn tập, kiểm tra.
Trách nhiệm của nhà trường là phải tổ chức thực hiện chương trình, bảo đảm cho học sinh tiếp nhận đầy đủ kiến thức, phát triển năng lực và phẩm chất theo yêu cầu của chương trình trong thời lượng quy định của chương trình.
Đối với những học sinh chưa đạt yêu cầu thì nhà trường, giáo viên có trách nhiệm phụ đạo để học sinh đạt yêu cầu của chương trình. Việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp cũng thuộc trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục để thực hiện, không phải là hoạt động dạy thêm thu tiền học sinh.
Các sở GD&ĐT cần tăng cường chỉ đạo và giám sát các nhà trường thực hiện đúng trách nhiệm, đặc biệt là việc hướng dẫn, tổ chức cho học sinh cuối cấp ôn thi. Đồng thời tuyên truyền đầy đủ cho giáo viên, phụ huynh, học sinh về quy định dạy thêm, học thêm để giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, học sinh yên tâm học tập, tuyệt đối không để tình trạng ngừng dạy thêm trong nhà trường là buông lỏng việc hỗ trợ học sinh học tập, ôn thi.
Phải lưu ý dành nhiều thời gian cho tự học, tự ôn tập
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, các đối tượng liên quan như nhà trường, giáo viên, học sinh… sẽ cần có thời gian để thay đổi nhận thức, thói quen liên quan tới dạy thêm, học thêm.
Thông tư 29 quy định việc dạy thêm trong nhà trường không thu phí chỉ dành cho ba đối tượng: Học sinh chưa đạt yêu cầu giáo dục, học sinh giỏi cần bồi dưỡng, học sinh cuối cấp trong giai đoạn ôn thi. Học sinh có nhu cầu có thể đăng ký học thêm ở những địa chỉ được phép đăng ký kinh doanh. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người học.
Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định chất lượng giáo dục trong nhà trường phổ thông phải được duy trì từ việc dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục trong chương trình chính khóa. Việc các nhà trường phải đảm bảo cho học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của chương trình cần tách bạch với hoạt động dạy thêm, học thêm theo nhu cầu.
Thầy, cô giáo cần hướng dẫn để học sinh biết cách tự học, tự ôn tập, hệ thống hóa kiến thức đã học. Việc học thêm ngoài nhà trường nhằm nâng cao hơn về kiến thức, kỹ năng thuộc nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của học sinh do học sinh quyết định. Tuy nhiên cần phải lưu ý dành nhiều thời gian cho việc tự học, tự ôn tập thì mới đạt được hiệu quả.
Đối với những học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường thì các nhà trường, thầy cô càng phải quan tâm tổ chức và hỗ trợ cho các em theo nhiều hình thức như hướng dẫn cho học sinh tự học tại trường, hỗ trợ học sinh tự học qua điện thoại, tin nhắn, email, giao bài (như đã làm nhiều thời Covid-19).
![Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành. vu-truong-nguyen-xuan-thanh.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/1e752962ba3f0ccd248ee9ec0ddf728a1335c7a455774817159501bdcefc889273bb635d8771355c890d9d6346cb9bb098ef730e05d3dcbb519a67e0171c703e/vu-truong-nguyen-xuan-thanh.jpg)
Chi trả cho hoạt động dạy học thêm đúng quy định trong nhà trường thế nào?
Liên quan đến việc chi trả cho hoạt động dạy thêm đúng quy định trong nhà trường, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cho biết: Giáo viên kiêm nhiệm, dạy thừa giờ được thanh toán tiền thừa giờ theo quy định. Việc phân công giáo viên để bảo đảm sự công bằng, phù hợp về thời gian làm việc thuộc trách nhiệm của nhà trường.
Trong trường hợp nhà trường tổ chức dạy thêm cho các đối tượng học sinh theo quy định thì cần xây dựng kế hoạch hợp lý để những giáo viên được phân công dạy thêm không vượt giờ chuẩn quá nhiều, trong khi có những giáo viên khác lại chưa đủ giờ chuẩn.
Nguồn kinh phí để chi trả tiền thừa giờ là nguồn kinh phí hợp pháp của nhà trường, bao gồm ngân sách và các khoản thu theo quy định.
Cởi bỏ băn khoăn “phải học thêm đúng giáo viên trên lớp mới có điểm tốt"
Một số phụ huynh mong muốn được lựa chọn giáo viên để gửi con học thêm, trong đó có cả giáo viên đang dạy con ở lớp chính khóa, nhưng Thông tư 29 không cho phép giáo viên dạy thêm với học sinh của mình đang dạy tại trường.
Chia sẻ về việc này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng: Quy định giáo viên không dạy thêm cho học sinh mình đang dạy trong nhà trường nhằm hạn chế tình trạng giáo viên ép buộc hoặc có những tác động để học sinh phải học thêm ngoài mong muốn.
Những giáo viên giỏi, có uy tín được phụ huynh, học sinh tin tưởng là những người có phương pháp dạy học, giáo dục phù hợp trong giờ dạy chính khóa. Ngoài giờ dạy trên lớp, giáo viên sẽ giao nhiệm vụ cho học sinh (bài tập về nhà) và thầy cô có thể tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập hay giải đáp những kiến thức, kỹ năng chưa hiểu.
Nếu vẫn còn nhu cầu học thêm, học sinh hay các bậc phụ huynh có thể tìm hiểu ở các địa chỉ dạy thêm đúng phép để lựa chọn giáo viên phù hợp với mong muốn.
Thông tư mới giúp phụ huynh, học sinh cởi bỏ được lo lắng, băn khoăn trong việc “phải học thêm đúng giáo viên trên lớp thì mới có điểm tốt”. Nhân thay đổi quy định về dạy thêm, học thêm, các bậc phụ huynh và học sinh cũng cần cân nhắc lại mục đích “học thêm” một cách thực chất hơn.
Có nghĩa, học để rèn năng lực, kỹ năng chứ không phải chỉ nhằm đạt điểm tốt trong bài kiểm tra ở trường. Năng lực, kỹ năng có được mới là thứ thiết thực theo học sinh trong hành trình vào đời sau này chứ không phải điểm số đơn thuần.
Có lo “lách luật”?
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, quy định của Thông tư 29 là tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh thì phải đăng ký kinh doanh theo quy định. Như vậy, cá nhân không phải là giáo viên trong biên chế của các trường công lập có thể đăng ký kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm.
Theo quy định, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm phải công khai về môn học, giáo viên, thời gian, địa điểm, các điều kiện bảo đảm an toàn, sức khoẻ của học sinh, học phí… để học sinh, phụ huynh lựa chọn và giám sát. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm và giáo viên tham gia dạy thêm phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của nhà nước.
Sự công khai, minh bạch này giúp cho việc thu phí rõ ràng, minh bạch. Việc này khi vào nề nếp sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm chi phí cho học sinh, phụ huynh.
“Quy định trong Thông tư về việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đã rõ về trách nhiệm đăng ký kinh doanh, công khai về nội dung dạy thêm, học phí và điều kiện tổ chức dạy học. Đồng thời cũng quy định rõ trách nhiệm của các cấp quản lý về giáo dục ở địa phương. Theo quy định của Thông tư, các cơ quan, đơn vị, nhà trường phải có trách nhiệm quản lý, giám sát; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngày 7/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh phải chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định; kịp thời phát hiện, tuyên dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh; hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Trường hợp học sinh phản ánh học trên lớp chính khóa chưa đủ, không hiểu bài (trừ một số rất ít học sinh chưa đạt yêu cầu theo kết quả đánh giá học sinh hằng năm) thì trách nhiệm thuộc về giáo viên, nhà trường. Khi đó hiệu trưởng nhà trường, giáo viên phải có trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý theo quy định. Các cơ quan quản lý giáo dục phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chương trình của các nhà trường, giáo viên để kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành