Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế

GD&TĐ - Ngày 18/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự và phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Tài nguyên Môi trường (TNMT). 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Bảo vệ môi trường phải vừa là nội dung, vừa là mục tiêu phát triển, không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Bảo vệ môi trường phải vừa là nội dung, vừa là mục tiêu phát triển, không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế - Ảnh: VGP

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Tài nguyên – Môi trường đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm nay.

Theo Phó Thủ tướng, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc và cũng là thách thức của nhân loại trong thế kỷ 21.

Thời gian qua, Bộ đã quan tâm chỉ đạo công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về TN&MT. Nhiều đạo luật, nghị định cơ bản về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành, tạo thành hành lang pháp lý khá đồng bộ cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Các quy hoạch, chiến lược về quản lý, sử dụng tài nguyên cũng được lập đồng bộ và được rà soát cập nhật phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tiến hành thường xuyên, có sự kết hợp hiệu quả giữa Trung ương và địa phương. Giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc liên quan đến người dân, doanh nghiệp liên quan đến công tác quản lý tài nguyên và môi trường. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng biểu dương những chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua. “Bộ TN&MT đã chủ động tham gia, tích cực đấu tranh với công ty Formosa Hà Tĩnh để  tìm ra thủ phạm trong vụ việc cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền trung, buộc thủ phạm phải nhận sai phạm, xin lỗi và bồi thường cho người dân bị thiệt hại, hỗ trợ cho người dân, cải tạo môi trường, hứa không tái phạm”, Phó Thủ tướng nói. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, công tác quản lý tài nguyên và môi trường vẫn còn có những mặt hạn chế. Thể chế chính sách, pháp luật mặc dù đã được hoàn thiện một bước nhưng một số quy định chưa theo kịp thực tiễn, chưa bắt kịp cơ chế thị trường và yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.

Một số quy định chồng chéo, thiếu thống nhất với các pháp luật khác có liên quan như pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư... Một số quy hoạch, chiến lược chưa được rà soát cập nhật để đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu của ngành còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ điện tử; mạng lưới cơ sở quan trắc, dự báo chưa hợp lý, trang thiết bị còn lạc hậu, năng lực dự báo nhất là dự báo xa còn hạn chế. Năng lực thực thi, phản ứng chính sách, pháp luật vẫn còn tồn tại; ở một số nơi cán bộ còn hiểu và áp dụng sai quy định của pháp luật, việc tiếp nhận và giải quyết quyết kiến nghị của người dân và doanh nghiệp chưa được thực hiện tốt dẫn đến khiếu kiện vượt cấp.

Tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng xả thải trực tiếp chất thải độc hại, gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, dịch vụ diễn biến phức tạp, nhất là ở một số làng nghề, lưu vực sông, khu vực biển. 

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành TN&MT trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải bảo đảm môi trường song song với phát triển kinh tế - xã hội. “Bảo vệ môi trường phải vừa là nội dung, vừa là mục tiêu phát triển, không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế”, Phó Thủ tướng lưu ý. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoan nghênh tinh thần cầu thị, lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian vừa qua và đề nghị Bộ TNMT tiếp tục phát huy để rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; quy hoạch, chiến lược về TNMT phù hợp với thực tiễn, yêu cầu hội nhập; tăng cường cải cách hành chính, loại bỏ rào cản, đảm bảo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn lực tài nguyên; ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành TN&MT phải nhanh chóng tiến hành tổng điều tra, rà soát, phân loại, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nhất là các nguồn thải ra sông, ra biển; cải tạo, phục hồi các khu vực ô nhiễm. “Bộ TN&MT phối hợp với các bộ liên quan, các địa phương rà sóat lại tất cả các dự án lớn, các dự án có xả thải, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Rà soát toàn diện từ khâu đánh giá tác động môi trường, chuẩn bị đầu tư, quá trình đầu tư, nghiệm thu, cũng như việc thanh - kiểm tra trong quá trình hoạt động. Chỉ cấp phép hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ khi chất thải được xử lý theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quy định quốc tế mà Việt Nam tham gia. Xử lý nghiêm mọi vi phạm, không loại trừ bất kỳ ai.”, Phó Thủ tướng nói. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu trang bị hệ thống quan trắc môi trường ở tất các các điểm xả thải, đảm bảo việc kiểm soát 24/24h. Tất cả tất cả các Sở TN&MT phải kiểm soát được việc xả thải trên địa bàn.

Riêng với sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải sớm có báo cáo đánh giá toàn diện, chính xác về ảnh hưởng môi trường; công bố an toàn môi trường biển để người dân, doanh nghiệp sớm ổn định đời sống, phát triển kinh tế. Nếu cần thiết, mời các nhà khoa học trong nước, quốc tế cùng nghiên cứu để sớm công bố kết quả. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cũng đề nghị ngành TN&MT cần chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản; Sớm ban hành chính sách ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;  Ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ Việt Nam trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu do quá trình hội nhập; Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, đổi mới phương thức cung cấp thông tin phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; Nghiên cứu, xây dựng các chính sách pháp luật về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo các quy định của quốc tế và các cam kết của Việt Nam.

Huy động nguồn lực quốc tế, nguồn lực xã hội để thực hiện Chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu. Xây dựng cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu đến cấp xã.

Theo Văn phòng Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ