Không dám quát mắng dù con riêng của chồng quá hư

Nhiều hôm tôi chờ cơm cháu, hoặc phần cơm, nhưng cháu không ăn hoặc cũng không về ăn. Có lần cháu về thấy mâm cơm tôi úp lồng bàn để phần cháu, chẳng nói chẳng rằng cháu bê cả mâm đổ ụp luôn xuống cống sau nhà, bát đĩa vỡ tan, thức ăn văng tung tóe.

Ảnh có tính chất minh hoạ/Internet
Ảnh có tính chất minh hoạ/Internet

Tôi về làm vợ của anh khi tôi 36 tuổi, cái tuổi mà các cụ vẫn gọi là “quá lứa lỡ thì”, nhất là lại ở vùng quê nghèo thuần nông như quê tôi thì việc tôi lấy được chồng là cả một chuyện lớn.

Anh làm kỹ sư lâm nghiệp, còn tôi là cô giáo tiểu học. Anh đã có vợ và hai con, nhưng vì nhiều lý do, vợ chồng anh chia tay và mỗi người nuôi một đứa con.

Qua mai mối của một phụ huynh có con học lớp tôi chủ nhiệm, anh đến nhà tìm hiểu tôi. Anh thật thà, chất phác, dễ gần và chúng tôi cởi mở, đồng cảm trò chuyện cùng nhau ngay từ những lần gặp đầu tiên.

Anh không hề giấu hoàn cảnh của mình, kể cho tôi nghe về cuộc sống gà trống nuôi con của bố con anh. Chia tay được hơn 3 năm, từ khi con trai anh mới học lớp 4, giờ cậu bé đã lên lớp 7, bắt đầu trổ mã, vỡ giọng và ra dáng một thanh niên đến nơi rồi.

Gần một năm đi lại, tìm hiểu, tôi về làm vợ anh. Chưa có con, tôi thật sự thương yêu con chồng và rất muốn chăm sóc, nuôi dạy cháu bằng tình cảm của một người mẹ.

Thế nhưng tôi càng gần gũi, chăm sóc cháu, cháu càng xa lánh tôi. Những khi anh có ở nhà, cháu cư xử với tôi dù không quá lạnh nhạt nhưng cũng tỏ rõ sự không mấy thiện cảm.

Bữa cơm tôi nấu nhiều khi chỉ có tôi và anh ngồi ăn, cháu viện ra nhiều lý do để tránh không ngồi ăn cơm cùng tôi, sau đó thì xuống bếp ăn một mình. 

Ăn xong bát đĩa, nồi niêu cháu bỏ mỗi nơi một thứ, nhiều hôm hơn 10 giờ đêm tôi vẫn phải xuống bếp dọn dẹp vì sợ để đồ ăn thừa, chuột, gián chui vào tha lôi mất vệ sinh.

Quần áo của cháu cũng vậy, dù tôi giặt sạch sẽ và gấp cẩn thận để đầu giường cho cháu, nhưng cháu thường xuyên lộn tung tóe đống quần áo, đồ mặc rồi và chưa mặc để lẫn lộn vào nhau.

Một đôi lần tôi có góp ý với cháu về việc cần ngăn nắp, gọn gàng trong chính phòng ngủ của cháu, cháu nói trống không với tôi, gương mặt lạnh tanh “ai khiến bà dọn”.

Không dám nói với chồng về những phản ứng ấy của cháu với mình, tôi âm thầm chịu đựng. Thế nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, chẳng hiểu sao thời gian gần đây, càng ngày cháu càng hỗn hào, coi thường và cư xử rất khó chịu với tôi.

Những khi anh vắng nhà, đặc biệt là những thời gian anh đi công tác dài ngày, cháu gần như không về nhà, đi học là đi một mạch luôn đến tận khuya. 

Tôi sốt ruột, tìm đến nhà cô chủ nhiệm, nhà một vài bạn bè thân của cháu nhưng đều không thấy. Lủi thủi quay về thì gặp cháu đang mở cổng nhà, tôi chưa kịp nói gì, cháu quát sẵng “ai khiến bà đi tìm tôi, bà lo cái thân bà đi”.

Nhiều hôm tôi chờ cơm cháu, hoặc phần cơm, nhưng cháu không ăn hoặc cũng không về ăn. Có lần cháu về thấy mâm cơm tôi úp lồng bàn để phần cháu, chẳng nói chẳng rằng cháu bê cả mâm đổ ụp luôn xuống cống sau nhà, bát đĩa vỡ tan, thức ăn văng tung tóe.

Đổ mâm cơm xong, cháu quay lại, hất mặt nhìn tôi như thách thức…

Hôm rồi có bạn học cùng lớp của cháu đến nhà mượn vở, tôi ra mở cửa, bạn cháu vừa cất lời chào tôi thì cháu chạy xồng xộc từ trong nhà ra, nói với bạn “không việc phải chào, bà ấy có là cái thá gì trong nhà này đâu”.

Nghe cháu nói mà ngực tôi như muốn thắt lại. Tôi phải làm thế nào để cháu xóa đi ác cảm “mẹ kế” cay nghiệt bấy nay? Tôi phải làm thế nào để có thể khuyên răn, dạy bảo được cháu? Tôi thương cháu thật sự và muốn bù đắp những thiệt thòi, thiếu hụt cho cháu.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ