Không cộng điểm thi nghề là phù hợp với thực tiễn giáo dục

GD&TĐ - Những thay đổi trong quy định về điểm ưu tiên, khuyến khích trong dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh THCS và THPT cụ thể như thế nào? Vì sao cần có những thay đổi này? Liệu các địa phương, cơ sở có kịp thay đổi việc tuyển sinh vào lớp 10 trước những sửa đổi của Bộ GD&ĐT? Đó là những vấn đề đang được xã hội quan tâm trong những đề xuất điều chỉnh mới đây của Bộ GD&ĐT…

Không cộng điểm thi nghề là phù hợp với thực tiễn giáo dục

Góp phần giảm áp lực cho HS

Làm rõ về các câu hỏi trên đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết:

Dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7, theo đó, dự thảo bỏ quy định: “Sở GD&ĐT quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích”.

Thực tế thời gian qua cho thấy, quy định này là một trong những nguyên nhân làm cho số lượng các cuộc thi dành cho HS ở địa phương nhiều, chồng chéo, gây áp lực cho HS, không nhận được sự đồng tình của xã hội. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các địa phương về việc tinh giảm các cuộc thi dành cho HS. Thay đổi quy định cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh THPT sẽ là một trong những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương tinh giảm các cuộc thi của Bộ.

Chủ trương sửa đổi, bổ sung một số quy định trong quy chế tuyển sinh vào THPT, trong đó có việc bỏ quy định cộng điểm khuyến khích trong Quy chế tuyển sinh đã được dự thảo và đưa lên mạng xin ý kiến rộng rãi từ trung tuần tháng 12/2017. Trong quá trình dự thảo, cùng với việc chỉ đạo tinh giảm các cuộc thi dành cho HS, các địa phương cũng đã sớm biết chủ trương của Bộ nên đã có sự chuẩn bị.

Khắc phục hiện tượng làm “đẹp hồ sơ”

Trước ý kiến cho rằng một số phụ huynh, HS băn khoăn rằng, việc bỏ điểm cộng thêm kết quả thi nghề phổ thông vào kết quả tuyển sinh lớp 10 sẽ hạn chế động lực học nghề của HS, ông Nguyễn Văn Thành phân tích:

Việc không giao cho các Sở GD&ĐT quy định đối tượng cộng điểm khuyến khích, trong đó bao gồm cả việc thi nghề phổ thông nhằm đảm bảo mục tiêu chọn được đúng HS có khả năng tiếp tục học ở cấp THPT, đồng thời khắc phục hiện tượng làm “đẹp hồ sơ”, khiến nhiều HS chạy theo điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10, có đăng ký học nghề nhưng thực tế việc học nghề chỉ mang tính hình thức, không thực chất.

Dù không còn điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10 nhưng kết quả thi nghề của học sinh THCS vẫn được sử dụng để khuyến khích trong việc xét tốt nghiệp THCS theo Quy chế hiện hành tại Quyết định số 11/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/4/2006.

“Cũng phải nói thêm, việc quy định cho các địa phương sử dụng kết quả thi nghề phổ thông được cộng điểm khuyến khích để xét tốt nghiệp THCS chỉ là một trong những biện pháp nhằm khuyến khích HS học nghề phổ thông, góp phần thực hiện tốt chủ trương GD hướng nghiệp và phân luồng HS sau THCS, chứ việc cộng điểm khuyến khích không phải mục đích của việc dạy học nghề phổ thông” - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nêu rõ. Đồng thời cho biết đối với những HS học nghề vì mục đích học tập, tìm hiểu để có những hiểu biết, kỹ năng ban đầu về một số nghề phổ biến trong xã hội, phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai thì các em vẫn có động lực học tập tốt.

Tạo sự công bằng trong tuyển sinh

Đó là nhận xét của ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa – khi được hỏi về đề xuất của Bộ GD&ĐT trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi dư luận. Ông cho biết:

Theo tôi, việc bỏ cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là hợp lý nhằm tạo sự công bằng cho HS trong học tập cũng như thi cử. Theo đó, chất lượng HS vào lớp 10 sẽ thực chất hơn.

Cũng phải nhìn thẳng vào sự thật đó là: Việc dạy nghề cho HS ở bậc THCS còn nhiều hạn chế, nhiều nơi còn hình thức nên không tạo được động lực cho HS trong học tập cũng như định hướng nghề nghiệp. Mặt khác, nhiều HS chọn thi nghề là vì điểm cộng chứ không phải vì định hướng nghề nghiệp. Vô hình trung việc thi nghề đã trở thành “phao cứu sinh” cho nhiều HS vào lớp 10. Điều này khiến cho việc thi nghề không còn ý nghĩa như mục tiêu ban đầu.

Cũng cần phải hiểu tường minh rằng, bỏ cộng điểm khuyến khích thi nghề không có nghĩa là chúng ta bỏ dạy nghề cho HS. Có nhiều cách dạy, cách học khác nhau, các trường có thể tổ chức sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và đảm bảo chất lượng cao nhất.

Thúc đẩy phân luồng HS sau THCS

Bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Bộ GD&ĐT trong việc bỏ cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10, ông Đào Đức Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định – cho rằng điều đó sẽ tạo được động lực học tập cho các em HS.

“Không còn điểm cộng thi nghề, các em sẽ nỗ lực trong học tập hơn, tránh tình trạng ỷ lại vào điểm khuyến khích. Qua đó chất lượng kỳ thi và chất lượng đầu vào của HS lớp 10 cũng sẽ tốt hơn” - ông Đào Đức Tuấn nhấn mạnh.

Mặt khác, theo ông bỏ điểm cộng thi nghề cũng góp phần phân luồng ngay từ bậc THCS được tốt hơn. Chẳng hạn như: HS A lẽ ra không đỗ vào lớp 10, nhưng vì có điểm cộng thi nghề nên em đã trúng tuyển. Đặt giả thiết, nếu HS A không có điểm cộng, thì có thể em đó sẽ chuyển sang học nghề để phù hợp với năng lực và sở trường hơn mà vẫn có thể học bổ túc văn hóa.

“Tuy nhiên, vì có điểm cộng nghề nên HS A vẫn lên lớp 10, nhưng kết quả học tập sẽ không cao. Cuối cùng sau 3 năm học THPT, em đó vẫn phải đi học ở một trường nghề. Như vậy là rất lãng phí. Vì thế tôi đồng tình với dự thảo quy định bỏ cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10 như Bộ GD&ĐT vừa công bố” - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định nêu quan điểm.

Về thời gian ban hành Thông tư, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: Theo quy định, Dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng thông tin của Bộ đến hết ngày 18/2/2018. Hết thời hạn đó, Bộ sẽ hoàn thiện Dự thảo Thông tư trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý để ban hành chính thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.