Nhưng chỉ được thời gian đầu, sau khi mang bầu ba tháng, Thinh lại luôn miệng kêu than mệt mỏi, chán nản, bế tắc.
Hôm ấy, cô đã làm chồng cũng như gia đình hai bên nội ngoại khá sốc khi đăng lên mạng cái hình bản thân, xấu thảm hại với làn da đầy mụn, mắt sưng húp đỏ, tóc tai xơ xác. Cô còn viết thêm lời kêu than “Tôi chẳng còn gì để mất!”.
Chồng Thinh hỏi: “Anh và con trai chúng ta đây, đứa con nhỏ xíu trong bụng em nữa, là vô hình, vô giá trị với em sao?”
Bố đẻ Thinh gọi điện, bảo: “Mỗi tháng bố chu cấp cho con 7 triệu đồng để giúp con nuôi thằng cháu. Vậy là vẫn chưa đủ ư? Đó là thu nhập cả tháng lương của bố rồi. Bố phải đi làm thêm cuối tuần để có tiền đưa mẹ con đi chợ. Con có cần nốt khoản làm thêm của bố không?”.
Mẹ đẻ Thinh gặng hỏi: “Con bất an chuyện gì? Có cần đi bác sĩ tâm lý không?”.
Quả thực, đối với Thinh, không lúc nào cô có thể an yên được. “Loại con gái cả thèm chóng chán!” – Mẹ Thinh từng kết luận. Thinh không phải luôn buồn bã, chán nản, cũng có lúc cô mơ làm cái này, thích có cái nọ. Cô cứ thích thì làm, chán lại buông ngay, nhưng chỉ có điều, cái thích của Thinh có sự sống không bền. Cho nên, cô làm gì cũng dang dở.
Đang học đại học ngành phiên dịch, thì Thinh bỏ dở lúc gần hết năm thứ ba. Cô bỏ dở để đi làm nhân viên ở một siêu thị lớn. Bố mẹ phát hiện ra con gái bỏ học, can thiệp nhưng không nổi.
Thinh lý luận rằng, ở trường học quá chán, học thêm chỉ mất thời gian, chi bằng đi làm, Thinh kiếm tiền được luôn, lại có cơ hội tiếp xúc nhiều người, trình độ sống sẽ tốt lên và Thinh hứa tiếp tục củng cố kỹ năng ngoại ngữ.
Mới làm việc ở siêu thị được nửa năm, thì Thinh lại chán việc, cho rằng công việc đó quá nhàm tẻ, không giúp Thinh phát triển kỹ năng ngoại ngữ. Thinh bỏ việc ở nhà làm trà sữa, bánh ngọt bán online. Ban đầu, những người thân, bạn bè mua ủng hộ Thinh khởi nghiệp, nhưng sau đó, họ lảng dần, vì chất lượng sản phẩm của Thinh không ổn.
Bán hàng online ba tháng thì Thinh phá sản, tiếp tục chán đầy vơi. Cô quyết định lấy chồng để giải quyết cơn buồn chán. Chồng Thinh làm việc ở một nhà máy chè, lương tháng chỉ được 7 triệu đồng.
Hai vợ chồng sống bằng một đồng lương, lại đi thuê nhà, khiến ai nấy hiểu hoàn cảnh đều lắc đầu, không biết rồi vợ chồng Thinh ăn gì để sống.
Thấy túng tiền tiêu, Thinh lại xin đi làm ở một cửa hàng tiện ích. Nhưng mới làm việc được dăm tháng thì Thinh có bầu, ốm nghén nên phải nghỉ việc. Bố Thinh thương con quá, bèn chu cấp tiền cho con, coi như đóng một suất lương để Thinh bình tâm mà dưỡng thai, không phải lo đi làm nữa.
Vậy mà Thinh lại sắp sinh đứa con thứ hai trong khi tương lai việc làm của Thinh mịt mờ. Và Thinh tiếp tục thấy “Chẳng còn gì để mất!”.
Người như Thinh, trong xã hội không hiếm. Họ không hiểu nổi mình là ai, muốn thực sự điều gì, cho nên chỉ “bày mà không dọn”, khiến những người xung quanh phải giúp dọn dẹp cuộc đời cho họ.
Những người như vậy, cần có huấn luyện viên về kỹ năng sống, trình độ sống ở bên cạnh trong một thời gian đủ lâu. Với trường hợp này, ít nhất cần 5 năm để huấn luyện họ biên tập lại cuộc đời, biết và quản lý, giáo dục chính mình trước khi có thể sở hữu một cuộc đời tử tế.