Không có vùng cấm với nồng độ cồn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hôm 29/3, Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã lập biên bản xử phạt một trường hợp vi phạm quy định về lái xe an toàn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cụ thể ở đây là bà L.T.N, 47 tuổi, khi đo nồng độ cồn ở mức 0,073mg/L khí thở nên bà bị phạt trong khung từ 80.000 - 100.000 đồng. Bên cạnh số tiền nộp phạt nói trên, bà N còn bị giam giữ phương tiện 7 ngày! Phương tiện mà bà N sử dụng trong lúc có nồng độ cồn là một chiếc… xe đạp.

Chiếc xe đạp này, bà N dùng để chở rượu đi bỏ mối hàng ngày. Khai với lực lượng cảnh sát giao thông, bà N nói rằng, gia đình bà nấu rượu cung cấp cho các quán nên sau mỗi nồi rượu được chưng cất, bà phải nếm thử.

Và một lần “nếm thử” vào sáng 29/3 thì bị thổi phạt và bị giam xe. Có lẽ đây là trường hợp hi hữu trên cả nước, người đi xe đạp cũng bị phạt nếu có nồng độ cồn vượt mức cho phép.

Từ nhiều ngày qua, các quán nhậu và bia hơi vỉa hè ở nhiều thành phố lớn, kể cả các đô thị tỉnh lẻ, vơi hẳn người uống. Lý do đơn giản là công an giao thông phạt dữ quá.

Gần như không có chuyện gọi điện thoại cho “ai đó” để nhờ can thiệp các trường hợp uống rượu bia mà lái xe như trước đây. Còn những ai có mặt ở quán mà uống bia rượu bình thường thì những người đó hoặc là đi Grab, taxi hoặc xe ô tô có tài xế riêng mà anh tài ấy không tham gia vào cuộc nhậu hoặc chỉ uống nước lọc!

Bộ Công an lẫn lãnh đạo các tỉnh đã có nhiều nhắc nhở, thậm chí ra hẳn văn bản là “không có vùng cấm” khi xử phạt các trường hợp uống bia rượu mà tham gia giao thông.

Vì vậy, những ai có mặt tại các quán nhậu bây giờ, kể cả quan chức không còn là chuyện “ham vui” như mọi khi nữa mà phải rơi vào trường hợp bất khả kháng, buộc phải tiếp khách.

Vì nhậu theo kiểu ham vui như trước đây thì phải kèm một anh Grab hoặc anh taxi, vừa tốn tiền bia lại thêm tiền xe ôm, rất phiền phức. Tốt nhất là nghỉ nhậu nhẹt, vừa khỏe người, đỡ tốn kém, lại không lo sợ phạt.

Ở nhiều tỉnh, thành phố hiện nay, cảnh sát giao thông đứng ngay trước các quán nhậu nên những anh nào nghĩ rằng, sẽ đi đường tắt để tránh các điểm thổi nồng độ cồn là sai lầm.

Lại cũng có những anh cố nán lại quán nhậu, đợi qua 12 giờ đêm sẽ rời quán vì lúc đó, cảnh sát giao thông sẽ về nghỉ. Đó cũng là cách suy đoán sai lầm và nhiều người đã phải trả giá đắt.

Nhậu một bữa mà bị phạt 7 triệu đồng (số tiền phổ biến), bị giam xe cả tuần, cả tháng với xe máy và trên 30 triệu đồng với ô tô, giam luôn bằng lái thì chả dại gì!

Có không ít nhà hàng, quán nhậu ta thán về việc làm gắt, làm quyết liệt của cảnh sát giao thông trong thời gian vừa qua vì họ cho rằng, làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến doanh thu.

Giảm doanh thu từ việc làm quyết liệt của cảnh sát giao thông là có thật. Nhưng không vì chuyện “thu nhập” của các quán mà thả nổi chuyện nhậu nhẹt rồi lái xe, gây bao tai nạn thương tâm.

Cả xã hội đang hoan nghênh và luôn ủng hộ việc làm này của lực lượng cảnh sát giao thông. Chỉ sợ rằng, khi có đợt “phát động” thì làm quyết liệt, xong đâu lại vào đó như nhiều trường hợp đã từng xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ