Không có khái niệm Ngành hay Bộ vi phạm pháp luật

Không có khái niệm Ngành hay Bộ vi phạm pháp luật

(GD&TĐ) - Sau ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ khẳng định “Bộ GD&ĐT lâu nay vi phạm pháp luật...” báo Giáo dục&Thời đại nhận được rất nhiều đóng góp, phản hồi từ các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia, độc giả cả nước về vấn đề này. Xin trích đăng một vài ý kiến. 

Thí sinh thảo luận bài sau giờ thi
Thí sinh thảo luận bài sau giờ thi
Mới đây, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ đã lên tiếng về sự bất cập của kỳ thi ba chung và áp dụng điểm sàn như hiện nay, đồng thời khẳng định “Bộ GD&ĐT lâu nay vi phạm pháp luật, Luật Giáo dục Đại học đã quy định từ ngày 1/1/2013 phải giao quyền tự chủ cho các trường”.
Sau khi ý kiến trên được đưa ra, báo Giáo dục&Thời đại nhận được rất nhiều đóng góp, phản hồi từ các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia, độc giả cả nước về vấn đề này. Tất cả các ý kiến đều khẳng định quan điểm: Không thể có ngành, lĩnh vực, hay bộ quản lý nào đó vi phạm pháp luật. Cùng đó là những chia sẻ, phân tích về vấn đề tự chủ trong giáo dục đại học. Xin trích đăng một vài ý kiến.  
GS.TSKH Vũ Minh Giang
GS.TSKH Vũ Minh Giang
GS.TSKH Vũ Minh Giang – Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: “Quyền tự chủ cũng có tính nguyên tắc”
“Về nguyên tắc, quyết định, quy định do ai ký thì người đó chịu trách nhiệm. Nếu Bộ nào đó ra quyết định thì Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng… chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không thể nói chung chung là một Ngành, một Bộ nào đó phạm pháp được. Nói như vậy là không hiểu về luật.
Tôi cho rằng đã là luật thì phải có tính nguyên tắc. Luật có hiệu lực nhưng có điều áp dụng được ngay, một số nội dung lại cần có nghị định, văn bản dưới luật hướng dẫn mới có thể thực hiện, đi vào cuộc sống được. 
Vấn đề tự chủ trong Luật Giáo dục Đại học cũng vậy. Chưa thực hiện không có nghĩa là phạm pháp. Mà chậm ban hành những văn bản hướng dẫn thì lại càng không phạm pháp.
Gần đây ta hay nói về quyền tự chủ của trường đại học, và dường như các trường đang theo tinh thần tự chủ để trường nào cũng muốn đưa ra phương án tuyển sinh riêng cho mình. 
Cần nói rõ là quyền tự chủ cũng có tính nguyên tắc. Bộ GD&ĐT với trách nhiệm Chính phủ giao về quản lý nhà nước trong giáo dục phải có chủ trương tới các trường, trên cơ sở khoa học và tình hình thực tế sẽ giao trường nào đề ra phương án tuyển sinh riêng. Theo đó, không nên lo việc trường nào cũng đòi có phương án riêng gây “bát nháo” trong tuyển sinh đại học. 
PGS.TS Đặng Quốc Bảo
PGS.TS Đặng Quốc Bảo
PGS.TS Đặng Quốc Bảo – Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục (nay là Học viện Quản lý giáo dục): “Tự chủ kèm theo các điều kiện”
“Tôi không tán thành ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT đang vi phạm pháp luật. Bởi nếu quy trách nhiệm nào đó theo Hiến pháp và pháp luật thì sẽ chỉ rõ cá nhân, bộ phận thực hiện. Không ai quy cả một Bộ, cả một ngành vi phạm pháp luật được.
Nói đến tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học, theo tôi không thể cắt bớt việc tự chủ kèm theo các điều kiện. Tự chủ cần có Nghị định để thực hiện – hiện ta đang chờ văn bản hướng dẫn này.
Về bản chất, đó chính là sự phân tầng các trường đại học, để xem trường nào đủ điều kiện tự chủ, trường nào không.
Không thể cắt nội dung văn bản Luật chỉ lấy phần đầu mà quên đi các phần sau đi kèm theo nó, như điều kiện cần và đủ trong toán học vậy. Một ví dụ đơn giản: Với mỗi con người, pháp luật cũng có quy định bao nhiêu tuổi trở lên mới có thể tự chủ cuộc sống.
Theo tôi, chủ đề này rất tinh tế và nhạy cảm. Có thể đây không hẳn là ý của người nói, nhưng nơi này nơi khác lại lợi dụng để làm “tấy lên” vấn đề. Nói như vậy với ngành Giáo dục thật không thỏa đáng”. 
PGS.TS Trần Đình Tuấn
PGS.TS Trần Đình Tuấn
PGS.TS Trần Đình Tuấn – Phó Trưởng khoa Sư phạm Quân sự, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng): “Tự chủ phải có kỷ luật, kỷ cương”
“Tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng không thể nói một ngành, một Bộ nào đó vi phạm pháp luật. Chúng ta chưa từng có khái niệm như vậy trong luật. 
Cụ thể với ngành Giáo dục, chúng ta có Luật Giáo dục Đại học, Luật có hiệu lực từ năm 2013, trong Luật có điều về quyền tự chủ cho các trường, nhưng giao quyền tự chủ đến đâu lại có các văn bản dưới luật hướng dẫn kèm theo. 
Một ví dụ như việc giao cho Hiệu trưởng các trường đại học được quyết định 20% chương trình đào tạo nhưng vẫn cần tuân thủ theo chương trình khung mà Bộ GD&ĐT quy định.
Việc soạn giáo trình như thế nào, nội dung ra sao phải lập hội đồng các chuyên gia, có đánh giá, giám sát… không thể mỗi trường một kiểu. 
Để hiểu rằng thực hiện tự chủ, nhưng việc các trường tự quyết định và các trường tự làm là hai khái niệm khác nhau. Ta tôn trọng quyền tự chủ của các trường theo luật, nhưng tự chủ phải có kỷ luật, kỷ cương.  
Gia Hân thực hiện

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.