Khốn khổ vì vợ khoái "chém gió"

Chị Hạnh Dung mến! Vợ chồng tôi lấy nhau được chín năm, chuyện gia đình cũng yên ổn, trừ cái tật của vợ tôi là rất thích… nói thêm.

Khốn khổ vì vợ khoái "chém gió"

Ví dụ hôm trước đám giỗ ở nhà ba má tôi, vợ tôi hỏi em gái tôi sao không đưa người yêu về giới thiệu, em tôi trả lời chuyện cũng chưa tới đâu. 

Vậy mà hôm sau tôi nghe cô ấy nói chuyện với bạn bè qua điện thoại, thôi thì đủ thứ, nào là em tôi yêu anh chàng đó mấy năm rồi, nào là kỳ này chắc trục trặc gì đó rồi, thấy mặt nó (em gái tôi) buồn lắm, nào là 36 tuổi rồi không ai rước chỉ có ế dài, nào là má tôi buồn hổng nói câu nào… 

Em gái tôi nghe được mấy câu ấy đã nổi xung, chị em xào xáo. Đã vậy, cự cãi xong, vợ tôi lại bốc điện thoại… tám tiếp! Chuyện này xảy ra đã nhiều lần, tôi nói mãi mà vợ tôi không sửa được. Tôi thấy mấy bà sao nhiều chuyện quá. 

Ngay cả chuyện tôi đổi việc, con trai thi rớt đại học… cũng bị bàn ra tán vào, thêm thắt bao nhiêu chi tiết. Lúc mới lấy nhau, vợ còn nghe lời, giờ nói gì cũng không nghe, lại sinh tật nói nhiều.

Mỗi lần thấy vợ cầm điện thoại lên là tôi ra khỏi nhà. Không biết làm sao để trị dứt cái bệnh này, xin chị cho lời khuyên. Võ Văn Tài (TP.HCM)

Khốn khổ vì vợ khoái "chém gió" ảnh 1

Anh Tài thân mến,

Cái bệnh nói nhiều, nói thêm, nói dài… của phụ nữ đã nổi tiếng xưa nay, không chỉ vợ anh dính bệnh này, mà đa phần chị em đều mắc. Có thể hình dung vợ anh “buôn dưa” như vậy, anh phải bỏ ra khỏi nhà, vậy mà đầu dây kia có người nghe nhiệt tình, nghe chăm chú… thì biết “bệnh nhân” đông đến cỡ nào! 

Vậy nên, Hạnh Dung xin đề nghị anh nghiên cứu khả năng giảm bệnh thôi, chứ chữa dứt bệnh hoàn toàn e hơi khó! Mặt khác, gia đình anh chị đang đầm ấm yên ổn, có chút nào đó chưa được hoàn hảo như mình mong muốn thì tìm cách hạn chế bớt tác hại, đừng để vì nó mà gây căng thẳng, ảnh hưởng đến không khí chung của cả nhà.

Nhiều người đã trị bệnh “nói dài nói dai nói dại” này bằng cách “dĩ độc trị độc”: nhờ một người phụ nữ nào đó làm “người trị liệu” bám chặt vợ, điện thoại, đến chơi, đêm ngày buôn chuyện nhiệt tình bền bỉ, toàn chuyện trời ơi đất hỡi, buôn đến khi nào chị vợ “chịu hết nổi” thì thôi. Vợ anh được áp dụng kiểu này, đến lúc đó sẽ hiểu nỗi khổ của những người bị chị ấy “buôn” trước đó. 

Lúc đó anh nhẹ nhàng góp ý để chị sửa dần. Cách này khó ở chỗ phải kiểm soát “người trị liệu” kia, kiểm soát cả câu chuyện mà họ buôn qua buôn lại, tránh tình trạng cả bệnh nhân và người trị liệu trở nên... “nghiện” nhau.

Cũng có thể anh chủ động tìm cách góp ý khác với cách xưa nay anh từng góp ý. Các ông thường rất bực vụ vợ nói nhiều, nên vợ vừa mở đài là các ông hoặc trốn biệt, hoặc gạt phắt mọi chuyện. Vậy thì người ta phải tìm người nghe khác thôi! 

Muốn góp ý, đầu tiên phải lắng nghe đã. Anh có thể nghe chị một chút, rồi nhẹ nhàng ngắt lời chị, trò chuyện, biến mạch “sáng tác” đơn độc của chị thành cuộc “sáng tác và hiệu đính”. 

Cách này mất nhiều thời gian và công sức hơn, nhưng cũng là cách có thể vun vén, giữ được hòa khí gia đình. Khi có bạn tâm sự rồi, chị sẽ bớt "sáng tác" và "xuất bản" ra bên ngoài, bớt nguy cơ gặp những tai nạn bất ngờ do “tái bản có sửa chữa”.

Phụ nữ thích tâm sự, anh hãy cố gắng lắng nghe, tạo thói quen để chị tâm sự với chồng. Đến lúc nào đó, anh sẽ thấy kết quả rất ngoạn mục. Chúc anh giữ tính kiên nhẫn và trở thành bạn "sáng tác" của vợ mình.

Theo phunuonline

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ