Phát huy chính sách hỗ trợ vùng dân tộc
Trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Sóc Trăng có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có 128 ấp đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được ổn định, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt.
Dự án phát triển Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện đã tổ chức 1 lớp Bồi dưỡng kiến thức dân tộc, với 120 học viên, đã giải ngân 126 triệu đồng, dự kiến trong tháng 10/2023 sẽ hoàn thành giải ngân đạt 100%.
Tại huyện Mỹ Xuyên, ông Đặng Văn Phương, Bí thư huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong thời gian qua, UBND huyện đã chủ động triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo của trên; tổ chức triển khai thực hiện khá hiệu quả các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Năm 2023 UBND tỉnh được phân bổ gần 13 tỉ đồng, trong đó nguồn ngân sách trung ương trên 11,5 tỉ; ngân sách địa phương đối ứng gần 1,4 tỉ đồng. Từ nguồn vốn đó, huyện đã thực hiện hỗ trợ đất ở cho 3 hộ, với số tiền 132 triệu đồng; hỗ trợ nhà ở cho 43 hộ, với tổng mức với số tiền gần 1,9 tỉ đồng. Thực hiện chuyển đổi nghề cho 29 hộ, với số tiền 290 triệu đồng; thực hiện chương trình nước sinh hoạt cho 24 hộ, với số tiền 72 triệu đồng...
Đối với Dự án thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng); Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc; Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc... được quan tâm triển khai có hiệu quả.
Với Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số năm 2023, tổng vốn giao 6,6 tỉ đồng, huyện đã phân bổ trên 719 triệu đồng thực hiện dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề. Đến nay, đã mở 9 lớp đào tạo nghề, với 162 học viên; tư vấn, tập huấn phát triển giáo dục nghề nghiệp cho 400 người.
Đổi thay bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tại huyện Mỹ Tú, ông Nguyễn Việt Phú - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Toàn huyện có 3 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số là Phú Mỹ, Thuận Hưng và Mỹ Thuận; gồm 1 xã đặc biệt khó khăn, 2 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Bà Trịnh Thị Hương Lan, ấp Tam Sóc C1 (xã Mỹ Thuận) được hỗ trợ 10 triệu đồng chuyển đổi ngành nghề, giúp cho gia đình vươn lên phát triển kinh tế. Bà Lan cho biết: “Chương trình là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, kinh tế - xã hội vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển”.
Xã Phú Mỹ là địa phương có đông đồng bào Khmer của huyện Mỹ Tú, chiếm trên 92% tổng dân số toàn xã. Ông Thạch Minh Lây - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ cho biết, ngoài việc được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương còn được hỗ trợ về chuyển đổi ngành nghề và hỗ trợ nhà ở. Theo đó, chương trình hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 33 hộ, mỗi hộ 10 triệu đồng; triển khai hỗ trợ nhà ở cho 66 hộ, mỗi hộ 44 triệu đồng, với tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi ngành nghề và hỗ trợ nhà ở là trên 3,2 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 (giai đoạn 1: từ năm 2022 đến năm 2025), UBND huyện Mỹ Tú đã chỉ đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, Phòng Dân tộc huyện và 3 xã vùng dân tộc thiểu số cho vay tín dụng chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 34 hộ có nhu cầu với số tiền trên 1,4 tỷ đồng. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn này...