Dấu ấn xã hội hóa giáo dục
Trong các năm học vừa qua, ngành Giáo dục Hậu Giang đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp ở các cấp học. Đặc biệt là trường lớp cấp học mầm non nhờ làm tốt xã hội hóa đã giúp các địa phương không còn tình trạng xã không có trường mầm non; tăng số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Chỉ tính trong thời gian 3 năm (từ năm 2013 đến 2016), tỉnh Hậu Giang thu nhận được trên 250 tỉ đồng của các tổ chức, đơn vị, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đóng góp, hỗ trợ cho việc xã hội hóa giáo dục.
Theo bà Nguyễn Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang: Những năm học vừa qua, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để kêu gọi các cấp, các ngành, các mạnh thường quân đóng góp, hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, địa phương còn quan tâm kêu gọi hỗ trợ giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó trong 3 năm qua, công tác huy động học sinh tới trường luôn vượt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ học sinh bỏ học chỉ còn mức dưới 1%.
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng (trái) - Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn PC GDMN cho trẻ 5 tuổi |
Từ nguồn xã hội hóa vận động được, tỉnh Hậu Giang đã tiến hành xây dựng mới, sửa chữa trường lớp học, phòng chức năng và một số công trình phụ trợ khác, mua sắm các trang thiết bị phục vụ dạy học.
Đặc biệt là vận động nhân dân hiến đất để xây dựng trường lớp, công trình phụ trợ trong trường học. Kết quả ghi nhận là toàn tỉnh đã có gần 300 phòng học, phòng chức năng, trị giá gần 200 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Riêng việc hiến đất xây trường lớp, trị giá hơn 41 tỉ đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ các trường học đỡ đầu, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị trị giá gần 10 tỉ đồng.
Đến đầu năm 2017, toàn tỉnh Hậu Giang có 339 trường học từ Mầm non đến Trung học phổ thông; có 7 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, thị xã, huyện và 76 Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn. Tỉnh hiện có 175/340 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Từ nay đến cuối năm 2017, Hậu Giang phấn đấu xây dựng thêm 20 trường đạt chuẩn quốc gia, ước tính tổng kinh phí đầu tư hơn 33,1 tỷ đồng.
Tập trung cho năm học mới
Bên cạnh công tác xã hội hóa, nguồn lực Nhà nước đầu tư cho giáo dục ở Hậu Giang cũng được quan tâm. Để phục vụ khai giảng năm học 2017 - 2018, UBND tỉnh Hậu Giang đã thống nhất đầu tư nâng cấp, sửa chữa 69 điểm trường bức xúc về cơ sở vật chất trên địa bàn tỉnh để kịp khai giảng năm học mới, với tổng mức đầu tư là hơn 42,5 tỉ đồng.
Cụ thể, trên địa bàn thành phố Vị Thanh có 4 điểm; huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành A có 7 điểm; huyện Long Mỹ và thị xã Ngã Bảy có 8 điểm; thị xã Long Mỹ và huyện Châu Thành có 9 điểm; trường THPT, trung tâm GDTX có 10 điểm.
Một trong những điểm nhấn về giáo dục ở Hậu Giang được toàn tỉnh tập trung thực hiện là xây trường chuẩn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Đồng Văn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang: “Trước điều kiện kinh phí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia hiện nay còn khó khăn thì việc chọn trường xây dựng đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới là hướng đi cần thiết. Các địa phương cần lưu ý chọn đầu tư các trường nào quá khó khăn, bức xúc về cơ sở vật chất. Khó khăn nhất trong việc thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 có 80% trường trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh là thiếu vốn, cơ sở vật chất và diện tích đất theo quy định. Vì vậy, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cần tranh thủ các nguồn vốn, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để xây dựng trường chuẩn. Dù khó khăn, nhưng xây dựng trường đạt chuẩn phải đảm bảo chất lượng, không chạy theo số lượng”.
Chuẩn bị cho năm học mới (2017 - 2018), theo chia sẻ của bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang: Ngành Giáo dục tỉnh đã và đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng, sửa chữa và nâng cấp các công trình trường học bằng nhiều nguồn kinh phí, chú ý các công trình bức xúc, cảnh quan môi trường sư phạm.
Sở GD&ĐT Hậu Giang yêu cầu các Phòng GD&ĐT chủ động rà soát đội ngũ, phối hợp với Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác xét tuyển viên chức, bảo đảm bổ sung đủ lực lượng giáo viên phục vụ năm học mới, đặc biệt là ngành mầm non.
Bên cạnh đó là làm tốt công tác thuyên chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu phù hợp với tình hình thực tế và phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy. UBND tỉnh Hậu Giang cũng yêu cầu các cơ sở GD&ĐT thực hiện đúng các khoản thu theo quy định, công khai hóa các khoản thu này, vận động học sinh đóng Bảo hiểm Y tế theo đúng các quy định hiện hành.
Các trường học trong tỉnh tiếp tục vận động quyên góp, hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn trong tỉnh; tiếp tục phát huy kết quả các phong trào “3 đủ”, “4 đủ” để các em có hoàn cảnh khó khăn được yên tâm đến lớp. Chú ý thống kê và lập danh sách số trẻ em, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn để có biện pháp hỗ trợ các em đến trường, không để xảy ra tình trạng học sinh vì nghèo mà bỏ học.
Sở GD&ĐT Hậu Giang yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục rà soát lại số lượng trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn một cách chính xác, để làm cơ sở huy động học sinh đến lớp vào đầu năm học mới 2017 - 2018. Tích cực phối hợp tốt với các cấp, các ngành có liên quan và các phương tiện truyền thông đại chúng trên địa bàn để tuyên truyền vận động học sinh, học viên ra lớp.