Nhà công vụ cho giáo viên ở Hậu Giang: Niềm vui lan xa

Nhà công vụ cho giáo viên ở Hậu Giang: Niềm vui lan xa
Tỉnh Hậu Giang mới thành lập 5 năm nay. Là tỉnh vùng sâu của đồng bằng sông Cửu Long, vùng căn cứ kháng chiến,  giáo dục ở đây cũng gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn đội ngũ giáo viên đa phần từ  các tỉnh khác đến. Để ổn định đời sống cho họ nhất thiết phải có nhà công vụ.
Gia đình thầy Công trong căn hộ mới
Gia đình thầy Công trong căn hộ mới

Tạo một chuyển biến
Theo số liệu của phòng tổ chức Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang, giáo viên đang giảng dạy trong tỉnh đa phần là người tỉnh khác đến: Nghệ An, Hà Tĩnh, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long…. Bậc tiểu học và trung học cơ sở thì giáo viên  người địa phương  tương đối nhiều, đặc biệt giáo viên trung học phổ thông phần nhiều từ tỉnh khác đến  (4.585 giáo viên ở tỉnh khác, so với tổng số 10.096 giáo viên). Đến địa phương giảng dạy họ phải ở trong những “căn nhà tập thể” bằng tre lá do nhà trường vận động phụ huynh và các mạnh thường quân đóng góp, đời sống thực sự khó khăn đối với các trường nông thôn.
Năm 2007, bằng nguồn vốn trái phiếu giáo dục, Chính phủ đầu tư cho Hậu Giang 33,41 tỉ đồng để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Theo ông Võ Khắc Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án, Sở GD-ĐT Hậu Giang cho biết, với số tiền ấy tỉnh đã xây dựng được 308 phòng, trong đó có 100 phòng dành cho 4 người ở và 108 phòng cho 2 người, ưu tiên cho giáo viên THPT, THCS và Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Số phòng này đưa vào sử dụng hơn năm nay đã tạo một chuyển biến tích cực cho giáo dục Hậu Giang. Rõ nét nhất là  ở Trường  chuyên Vị Thanh, Trường THPT Lương Thế Vinh (thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp), Trường THPT Vĩnh Viễn (Long Mỹ), Trường PTTH Phú Hữu… Thế nhưng so với nhu cầu thực tế chưa thấm vào đâu.
 Niềm vui của giáo viên
Tôi chọn một trường xa nhất giáp tỉnh Bạc Liêu, vùng căn cứ kháng chiến Vĩnh Viễn để đến thăm. Trước kia, tôi đã từng vào đây  bằng xuồng theo kinh Mười Thước từ Long Mỹ vào 16 cây số, nước sông một màu vàng vì đã nhiễm phèn nặng của khu vực Tây sông Hậu. Bây giờ dọc kinh Mười Thước (hiện rộng 20 thước có dư), một con đường nhựa cấp 5 đồng bằng chạy thẳng tắp giữa hai hàng phượng vĩ trổ bông đỏ rực để chào đón mùa hè giữa đồng lúa bát ngát.
Cô Nguyễn Thị Kiều Nương, Phó Hiệu trưởng Trường Vĩnh Viễn cho biết, tháng 8/2003, trường bắt đầu tuyển sinh lớp 10, hiện trường có 13 lớp. Các em ở các  xã vùng sâu, như Vĩnh Viễn, Xà Phiên, Thuận Hưng, Vĩnh Thuận Đông, Hoả Tiến…  trước đây phải đi 15-20 cây số ra Long Mỹ học. Khi trường mở, giáo viên về đây phải chấp nhận gian khó. Ở nhà tập thể bằng tre lá. Lúc đầu huyện cất cho nhà công vụ 5 phòng, bên kia sông, mỗi phòng 4 giáo viên. Năm rồi Sở cất cho dãy 8 phòng nữa, sau trường. Chỗ ở cho giáo viên bớt căng thẳng.
 Cô Nương tâm tình: “Thực ra nhà công vụ tạo chỗ ở ban đầu cho giáo viên trẻ mới ra trường an tâm giảng dạy. Một số anh chị em dạy lâu năm, lập gia đình mới cũng dần dà mua nhà mà ở. Có một cặp vợ chồng quê Cà Mau, Bạc Liêu vừa tích luỹ mua nhà ở chợ xã. Có giáo viên “bám rễ” ở Vĩnh Viễn (lập gia đình với người địa phương)”.
 Dãy nhà công vụ thật đẹp, phòng nào cũng có máy vi tính, ADSL. Thầy Liêu Thành Công, quê ở Phường 8, thành phố Vĩnh Long là giáo viên dạy Toán rất vui: “Trước ở bên kia chật chội quá. Mới lập gia đình sinh hoạt khó khăn. Giờ về đây coi như được ở riêng một căn hộ”. Anh kể:  “Hồi mới ra trường năm 2004, xin việc chờ hoài sốt ruột lắm! Sở GD-ĐT Hậu Giang gọi. Xin đi làm ngay, ở đâu cũng được. Ai biết cái chỗ Vĩnh Viễn này xa xôi vậy đâu?” Cô Hiệu phó Nương nói nhỏ với tôi: “Từ khi có nhà công vụ, thầy Công đăng ký học được 10 tín chỉ Cao học đó nghen!”
 Tình cờ cô Nguyễn Thi Ngọc Hoa đi ngang, cô giáo dạy văn, nói đặc tiếng Hà Tĩnh. Học  xong trung học, 1986, một mình vào Nam. Học Cao đẳng Hậu Giang rồi về đây dạy tới giờ. Cô nói: “Hai chục năm ở nhà lá, giờ có nhà khang trang ở, mừng lắm!”
 Rời Vĩnh Viễn, đi dưới hàng phượng đỏ, niềm vui khó tả. Người Hậu Giang chắc có ẩn ý, nên mấy chục cây số đường tràn ngập màu phượng vĩ. Tôi nhớ lại câu nói của anh Võ Khắc Tâm lúc chia tay: “Tỉnh đang có dự án kiên cố hoá nhà công vụ cho giáo viên tới 340 phòng!” Việc làm này nếu nhân rộng ra đồng bằng, ra cả nước thì niềm vui nhân lên gấp bội.
Nguyễn Văn Tấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ