Trong đó, chỉ số doanh thu từ nhà hàng, khách sạn đạt hơn 230 tỷ đồng, tăng vượt trội so với năm ngoái. Hiện nay, đây là lĩnh vực có doanh thu cao vì những năm trước hầu hết khách đến du lịch có hành trình ngắn thường đi về trong ngày.
Thêm tín hiệu đáng mừng, trong nửa năm vừa qua, tỉnh Bạc Liêu mở cửa đón hơn 800 ngàn lượt du khách (tăng 14,2 %) so với 2015. Trong đó, có khoảng 20 nghìn lượt khách quốc tế đến.
Việc tăng trưởng cao và bền vững trong lĩnh vực này nhờ hệ thống cở sở hạ tầng du lịch được cải thiện và đổi mới tương xứng với tiềm năng thế mạnh của vùng.
Khách sạn đạt chuẩn về sao tăng, đáp ứng nhu cầu lưu trú cho khách du lịch. Loại hình dịch vụ ăn uống, mua sắm quà lưu niệm về giá cả được quản lí chặt chẽ, hạn chế thấp nhất tình trạng “chặt chém” du khách, nhất là vào mùa du lịch - hành hương.
Bên cạnh đó, nhà nước tăng cường công tác quản lý thường xuyên để đáp ứng tốt nhu cầu kinh doanh của các đơn vị và nhu cầu tham quan mua sắm của du khách. Tăng cường đào tạo nghiệp vụ du lịch cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh để phục vụ du khách chuyên nghiệp hơn.
Hiện nay, ngành du lịch tỉnh đang tiến hành khảo sát và triển khai xây dựng thêm một số điểm du lịch “đặc sắc” ở Khu Nhà thờ Tắc Sậy và Vườn chim Bạc Liêu, hướng tới hoàn thiện đề nghị Hiệp hội Du lịch công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của ĐBSCL trong thời gian tới.
Song song đó, vẫn duy trì và phát huy tốt 8 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là: Đền thờ Bác Hồ (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi); Khu Nhà Công tử Bạc Liêu; Khu du lịch sinh thái Hồ Nam; Khu Quảng trường Hùng Vương; Khu Biển nhân tạo - Khu du lịch Nhà mát; Khu Lưu niệm Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu; Nhà hàng - Khách sạn Bạc Liêu và Khu Quan âm Phật đài...