Khối quân sự do Nga đứng đầu sẽ cử phái đoàn đến Armenia

GD&TĐ - Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) sẽ dẫn phái đoàn tới Armenia để xem xét sự căng thẳng giữa nước này với Azerbaijan.

Yerevan - Thủ đô Armenia.
Yerevan - Thủ đô Armenia.

Hôm 13/9, khối CSTO do Nga dẫn đầu thông báo sẽ cử một phái đoàn tới Armenia để báo cáo về tình hình ở nam Caucasus và đề xuất các giải pháp giải quyết căng thẳng với Azerbaijan.

Phái đoàn trên sẽ do Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas của Belarus đứng đầu và bao gồm Tướng Nga Anatoly Sidorov, người đứng đầu ban tham mưu chung của khối.

Quyết định trên được đưa ra tại một hội nghị truyền hình của Hội đồng An ninh thuộc CSTO. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã thông báo cho các đồng minh về các cuộc đụng độ biên giới mới đây với Azerbaijan.

Theo Bộ Quốc phòng của Armenia và Azerbaijan, ít nhất 49 người Armenia và 50 người Azerbaijan đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh liên quan đến pháo binh hạng nặng và máy bay không người lái.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo cho đồng minh về các bước đi mà Moscow đã thực hiện để giảm leo thang căng thẳng ở biên giới Armenia-Azerbaijan. CSTO cho biết họ tán thành việc giải quyết xung đột Armenia-Azerbaijan “hoàn toàn bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao dựa trên các nguyên tắc được luật pháp quốc tế công nhận” và lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian vào tháng 11/2020.

Moscow đã đứng ra làm trung gian để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 44 ngày, trong đó Azerbaijan tái chiếm một phần lớn Nagorno-Karabakh, khu vực chủ yếu có người Armenia ly khai khỏi Baku vào những năm 90 sinh sống.

Tuy phần còn lại của Nagorno-Karabakh đã được lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tuần tra và tương đối yên bình kể từ đó, vào tháng 8, Azerbaijan đã yêu cầu Armenia “phi quân sự hóa” hoàn toàn khu vực này và đe dọa một chiến dịch quân sự nếu điều này không được thực hiện.

Armenia đã kêu gọi CSTO can thiệp sau khi cuộc đụng độ hôm 13/9 bắt đầu. Tuy nhiên không biết liệu Yerevan có chính thức viện dẫn Điều 4, coi một cuộc tấn công vào một thành viên là một cuộc tấn công vào cả khối hay không.

Khối CSTO được thành lập năm 1994 còn bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Azerbaijan, Gruzia và Uzbekistan là thành viên cho đến năm 1999 nhưng sau đó rút lui. Azerbaijan và Gruzia đang tìm kiếm mối quan hệ với NATO. Uzbekistan gia nhập lại vào năm 2006 và rời đi một lần nữa vào năm 2012.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ