Armenia tố Azerbaijan tấn công biên giới, phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn

GD&TĐ -  Các cuộc đụng độ được cho là đã xảy ra ở Baku và Yerevan, thỏa thuận ngừng bắn mong manh bị phá vỡ.

Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan

Sáng sớm 13/9, cư dân tại các thành phố Armenia là Vardenis, Jermuk, Goris và Tatev đã báo cáo về các vụ nổ được cho là từ pháo và máy bay không người lái (UAV). Armenia đổ lỗi cho nước láng giềng Azerbaijan về vụ tấn công này.

Truyền thông địa phương cho biết, các vụ nổ diễn ra dọc theo toàn bộ tuyến biên giới Armenia - Azerbaijan, chính quyền ở Yerevan đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp.

Bộ Quốc phòng Armenia cho biết quân đội Azerbaijan đã sử dụng pháo hạng nặng và UAV. Một UAV Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất được cho là bị bắn rơi ở Vardenis, ở phía bắc Armenia và không tiếp giáp với khu vực tranh chấp Nagorno Karabakh. Yerevan cho biết, Quân đội Armenia đang “đưa ra một phản ứng tương xứng”.

Chính phủ Azerbaijan nói rằng Armenia “đã bắt đầu các cuộc khiêu khích lan rộng” chống lại các lực lượng vũ trang nước này. Lực lượng Azerbaijan đã đáp trả bằng “hỏa lực dữ dội” vào các vị trí của Armenia.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan ở Baku cáo buộc “các đội phá hoại” người Armenia đặt mìn trên đường và bắn súng cối vào các vị trí của quân đội Azerbaijan gần các thị trấn Basarkecher, Istisu, Garakilsa và Gorus.

Các thị trấn trên ở phía biên giới phía Azerbaijan, gây ra tổn thất về nhân lực và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quân sự. Azerbaijan cũng tuyên bố các lực lượng vũ trang Armenia cũng có những tổn thất về người và thiết bị quân sự.

Các cuộc đụng độ vào sáng nay là một sự leo thang căng thẳng chính giữa 2 quốc gia vùng Kavkaz. Azerbaijan đã tấn công Nagorno-Karabakh vào đầu tháng 8 sau khi cáo buộc Armenia vi phạm lệnh ngừng bắn năm 2020 và yêu cầu “phi quân sự hóa” hoàn toàn khu vực có người dân tộc Armenia sinh sống. Nga là quốc gia bảo lãnh cho thỏa thuận ngừng bắn trên và Moscow đã lên án sự việc này.

Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, khu vực này có phần lớn dân số là người Armenia và đòi độc lập khỏi Baku vào những năm 1990. Trên thực tế, nó đã tự quản và nhận được sự hỗ trợ từ Armenia kể từ đó.

Vào năm 2020, Baku và Yerevan đã chiến đấu trong một cuộc chiến kéo dài 44 ngày trong khu vực tranh chấp, kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian, trong đó lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai tới Nagorno-Karabakh.

Một lệnh ngừng bắn do Moscow làm trung gian đã giúp người Armenia sinh sống tại một nửa Nagorno-Karabakh và được bảo vệ bởi lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, trong khi tất cả các vùng lãnh thổ khác do Yerevan kiểm soát trước đây đã được nhượng lại cho Baku.

Baku và Yerevan xác nhận những báo cáo về các cuộc đụng độ, phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn mong manh Nagorno Karabakh.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ